Giáo viên còn tâm tư về Quy định tỷ lệ thăng hạng chức danh nghề nghiệp

GD&TĐ - Với quy định tỷ lệ phần trăm các hạng chức danh nghề nghiệp, rất có thể nhiều giáo viên tiếp tục “xếp hàng” chờ đợi...

Cô và trò Trường THCS 8/4, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: INT
Cô và trò Trường THCS 8/4, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: INT

Quy định về tỷ lệ phần trăm ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức khiến không ít giáo viên tâm tư và mong muốn, năm 2024 có thêm đợt xét thăng hạng bổ sung để ghi nhận quá trình cống hiến.

Tính theo tỷ lệ

Mới đây, Bộ Nội vụ ban hành Văn bản số 64/BNV-CCVC về hướng dẫn xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức (Công văn 64). Là viên chức nên giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập chịu ảnh hưởng của quy định này.

Theo Công văn, việc xác định cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức được thực hiện theo hướng dẫn tại các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn nhưng chưa xác định cụ thể tỷ lệ % ở mỗi hạng chức danh nghề nghiệp thì thống nhất thực hiện như sau:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%. Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%. Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có) tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Cô - trò Trường THCS Ngô Văn Sở (TP Lào Cai, Lào Cai). Ảnh: gdtd.vn

Cô - trò Trường THCS Ngô Văn Sở (TP Lào Cai, Lào Cai). Ảnh: gdtd.vn

Băn khoăn, trăn trở

Tán thành với chủ trương, chính sách tại Công văn 64 nhưng cô Nguyễn Thị Thu Lưỡng - giáo viên tiếng Anh, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Sủng Trà (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) băn khoăn về xác định tỷ lệ phần trăm. Theo Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không cần theo tỷ lệ cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp.

“Nay hướng dẫn, quy định về tỷ lệ có thể khiến nhiều giáo viên thiệt thòi, nhất là giáo viên lớn tuổi, có thâm niên cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, cô Lưỡng tâm tư và cho biết, hiện nhiều đồng nghiệp chưa được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp từ hạng cũ sang mới dù đã đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, tiêu chí. Với quy định tỷ lệ phần trăm các hạng chức danh nghề nghiệp, rất có thể nhiều giáo viên tiếp tục “xếp hàng” chờ đợi.

Cùng chung tâm trạng, thầy Lê Ngọc Tuấn – Trường Tiểu học Hải Hà (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) băn khoăn không biết có nên củng cố, làm hồ sơ để được xét duyệt lên giáo viên tiểu học hạng I không, vì lường trước sẽ khó khăn nếu tính theo tỷ lệ. Ngoài mong muốn có thêm đợt hồ sơ xét bổ sung, thầy Tuấn mong Bộ GD&ĐT sớm ban hành công văn hướng dẫn về vấn đề này để các trường, địa phương có cơ sở triển khai; đồng thời giúp giáo viên hiểu một cách tường minh, tránh mỗi người, địa phương có cách hiểu, làm khác nhau gây ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên.

Hơn 24 năm đứng trên bục giảng và trên 20 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trần Việt Hồng - giáo viên Trường THPT Xuân Mai (Hà Nội) luôn yêu nghề, tận tụy, cần mẫn với công việc. Cô được học trò, bạn bè đồng nghiệp yêu mến.

Cô Hồng có nhiều đóng góp, thành tích trong 16 năm công tác; liên tiếp tham gia viết Sáng kiến kinh nghiệm môn Toán và được sở GD&ĐT xếp loại B, C. Cô có 9 năm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Hằng năm, cô còn tham gia dạy đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường; Đạt danh hiệu Giỏi việc trường, đảm việc nhà.

Cô đã đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn dự xét thăng hạng nhưng không được nộp hồ sơ vì căn cứ vào cơ cấu theo từng môn học. “Tôi không hiểu sao bị loại hồ sơ, còn giáo viên khác lại được”, cô Hồng đặt câu hỏi và mong muốn nộp bổ sung hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp để được ghi nhận quá trình cống hiến của mình cho sự nghiệp “trồng người”.

Theo cô Nguyễn Thị Lan - giáo viên Trường Tiểu học xã Phố Cáo (huyện Đồng Văn, Hà Giang), nếu giáo viên đáp ứng các điều kiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định là chưa đủ. Giáo viên muốn tham dự xét thăng hạng phải được cơ sở giáo dục cử đi và phụ thuộc vào địa phương có tổ chức đợt xét thăng hạng hay không.

Trước việc nhiều giáo viên băn khoăn về các quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, cô Lan đề nghị, để công bằng cho tất cả giáo viên, những ai có đủ điều kiện xét thăng hạng được nhà trường cử đi tham dự xét thăng hạng do cấp trên tổ chức và lấy điểm chuẩn từ cao đến thấp cho đến hết chỉ tiêu.

Theo Công văn 64, người đứng đầu cơ quan, tổ chức căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế để phân bổ tỷ lệ phù hợp, bảo đảm theo quy định. Trường hợp chưa đủ số lượng theo tỷ lệ ở mỗi ngạch công chức hoặc mỗi hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì số còn thiếu được cộng vào ngạch (hạng) thấp hơn liền kề và có thể lớn hơn tỷ lệ theo quy định. Trường hợp số lượng thực tế hiện có vượt tỷ lệ nêu trên thì tạm thời không tổ chức thi, xét nâng ngạch hoặc xét thăng hạng lên ngạch công chức, hạng chức danh nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.