Dự thảo quy định mới về hỗ trợ SV sư phạm: Quan trọng là tâm thế đón nhận

Dự thảo quy định mới về hỗ trợ SV sư phạm: Quan trọng là tâm thế đón nhận

Tăng tính tự chủ trong đào tạo

Theo ông Nguyễn Vinh San, chính sách được đưa ra trong dự thảo nghị định đã giúp giải quyết một số vấn đề cụ thể của thực tiễn đào tạo giáo viên (GV) hiện nay.

Cụ thể, giảm việc đào tạo tràn lan sinh viên ngành sư phạm mà không tính đến nhu cầu thực tế của ngành Giáo dục, chỉ còn rất ít cơ sở đào tạo sư phạm và đào tạo theo đặt hàng của UBND tỉnh/thành phố cũng như của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, các trường sư phạm phải tăng tính tự chủ trong đào tạo mới có được các “đơn đặt hàng” như: Điều chỉnh chương trình đào tạo, khảo sát/đánh giá nhu cầu, hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng trong nhà trường. Nếu như trước đây, các trường sư phạm có 2 sản phẩm và 2 đối tượng khách hàng cơ bản (chương trình đào tạo - người học; sinh viên tốt nghiệp – đơn vị tuyển dụng), thì nay đối tượng khách hàng gần như chỉ còn một, đó là đơn vị “đặt hàng” đào tạo.

Với quy định trong dự thảo, người học được hỗ trợ nhiều hơn khi lựa chọn học sư phạm (trước chỉ được hỗ trợ về học phí, nay được hỗ trợ cả học phí và sinh hoạt phí). Tuy nhiên, người học phải xác định rất nghiêm túc về việc chọn học và theo nghề vì phần hỗ trợ chỉ miễn phí hoàn toàn khi người học làm trong ngành Giáo dục sau khi tốt nghiệp.

“Việc thay đổi chính sách chắc chắn sẽ có tác động đến các trường sư phạm, ngành Giáo dục và cả xã hội. Tuy nhiên, đối với các trường sự phạm thì sự tác động lớn hay nhỏ lại liên quan đến sự chuẩn bị và tâm thế của các trường sư phạm trước khi chính sách có hiệu lực” – ông Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.

Chia sẻ từ thực tế Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng, ông Nguyễn Vinh San cho biết: Nhà trường đã có bước chuẩn bị cụ thể ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được ban hành. Đó là tiếp tục hoàn thiện và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường. Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng là cơ sở giáo dục đầu tiên của Việt Nam được kiểm định và công nhận bởi một tổ chức kiểm định độc lập; là trường sư phạm đầu tiên và duy nhất của cả nước có chương trình đào tạo được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng AUN-QA (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á).

Nhà trường cũng tích cực tham gia vào các hoạt động thay đổi chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chủ động điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm 2019, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng mở mới 5 chương trình đào tạo theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Giáo dục Công dân, Sư phạm Công nghệ và Sư phạm Công nghệ - Tin học Tiểu học).

Ảnh minh họa/ INT
 Ảnh minh họa/ INT

“Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã và đang tổ chức nhiều hoạt động đào tạo theo đơn đặt hàng nên chúng tôi không bị động khi chính sách có hiệu lực. Nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm cho sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng, tiến hành ký kết với các cơ sở/hệ thống giáo dục lớn ở khu vực miền Trung trong việc kiến tập, thực tập và tuyển dụng sau tốt nghiệp” – ông Nguyễn Vinh San chia sẻ.

Làm rõ một số điều

Cùng với những nhận định trên, theo quan điểm cá nhân của ông Nguyễn Vinh San, dự thảo nghị định cũng có một số vấn đề cần làm rõ. Theo đó, cần cụ thể hơn về cơ sở/đơn vị giáo dục khác được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động (Khoản 1, Điều 2 của dự thảo nghị định). Cần làm rõ thêm vai trò của các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong hoạt động đào tạo sinh viên sư phạm.

Số lượng cơ sở ngoài công lập với nhu cầu tuyển dụng giáo viên hiện tại rất lớn, từ các trung tâm đào tạo, trường mầm non, trường phổ thông và các trường cao đẳng, đại học. Các đơn vị này cũng phải có trách nhiệm trong việc tạo nguồn nhân lực cho mình. Nội dung cuối cùng cần làm rõ thêm trong dự thảo là sinh viên sư phạm tốt nghiệp công tác trong ngành Giáo dục, sau khi tốt nghiệp hơn 2 năm (học sau đại học, nhập ngũ, chưa xin được việc…).

“Tôi cho rằng, dự thảo nghị định cần nghiên cứu và bổ sung quy định về việc lựa chọn người học được tỉnh/thành phố hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt, bảo đảm tính khách quan, minh bạch và chất lượng. Người học sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo theo “đặt hàng” của UBND tỉnh/thành phố như cam kết phải được phân công công tác vì nhu cầu của tỉnh/thành phố là có và người học đáp ứng chất lượng sau khi tốt nghiệp” – ông Nguyễn Vinh San nêu quan điểm.

Về cơ bản, tôi đồng tình với các chính sách mà dự thảo nghị định đưa ra. Tính đến thời điểm hiện tại, chính sách này không còn quá mới mẻ vì nó đã được nói và bàn nhiều khi sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Các trường sư phạm, phụ huynh và học sinh đang chờ đợi nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách.                                                            Ông Nguyễn Vinh San

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ