Dự thảo quy chuẩn đăng kiểm siết chặt quản lý phần mềm

GD&TĐ - Dự thảo quy chuẩn mới đưa ra một số tiêu chuẩn nhằm ngăn đăng kiểm viên can thiệp phần mềm, làm sai lệch kết quả kiểm định để trục lợi.

Dự thảo quy chuẩn đăng kiểm giúp tăng giải pháp ngăn can thiệp phần mềm, thiết bị để gian lận kết quả kiểm định ô tô. Ảnh minh họa
Dự thảo quy chuẩn đăng kiểm giúp tăng giải pháp ngăn can thiệp phần mềm, thiết bị để gian lận kết quả kiểm định ô tô. Ảnh minh họa

Ngăn can thiệp phần mềm

Bộ GTVT đang gửi lấy ý kiến công khai Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới (thay Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT).

Dự thảo quy chuẩn mới theo hướng mở hơn khi chỉ quy định thiết bị tối thiểu tại mỗi dây chuyền kiểm định, các thiết bị được dùng chung giữa các dây chuyền, để nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm áp lực chi phí đầu tư các trung tâm đăng kiểm. Dự thảo quy chuẩn mới cũng bổ sung yêu cầu về bảo mật dữ liệu, ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu, kết quả kiểm định xe cơ giới.

Cụ thể, phần mềm điều khiển thiết bị tại các trung tâm đăng kiểm phải có khả năng ngăn việc can thiệp trực tiếp bởi người dùng, hoặc ngăn can thiệp qua phần mềm độc hại nhằm làm sai lệch kết quả kiểm tra của thiết bị. Phần mềm phải hiển thị, mã hóa dữ liệu; sau nâng cấp không cho phép tiếp tục cài phần mềm phiên bản cũ hơn và kết nối với dữ liệu tại máy chủ của đơn vị đăng kiểm.

Bên cạnh đó, dự thảo quy chuẩn cũng bổ sung yêu cầu về kỹ thuật để ngăn can thiệp vào kết quả kiểm tra khí thải, phanh, đèn chiếu sáng trước. Về kiểm tra khí xả, bổ sung yêu cầu lắp đặt, trang bị cơ cấu ngăn chặn việc can thiệp vào cảm biến lấy mẫu để thay đổi kết quả kiểm tra. Với phanh, có các chương trình kiểm tra với từng kiểu loại xe dẫn động 2 bánh hoặc 4 bánh. Với đèn trước, thiết bị phải lấy được đúng tâm giao điểm vùng sáng - tối của đèn chiếu gần.

Đặc biệt, dự thảo quy chuẩn thay vì yêu cầu mỗi dây chuyền phải trang bị đầy đủ các loại thiết bị phục vụ kiểm định 1 xe từ đầu tới cuối, đã đổi thành chỉ quy định tối thiểu về trang bị của đơn vị kiểm định.

Theo đó, các dây chuyền kiểm định trong cùng 1 trung tâm có thể dùng chung một số loại thiết bị của nhau, thiết bị phù hợp với loại phương tiện mà đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định (chỉ phục vụ kiểm định xe xăng, chỉ phục vụ xe dầu, hoặc chỉ kiểm định xe điện...).

Mỗi dây chuyền không nhất thiết phải trang bị đủ các thiết bị, như phân tích khí xả, đo độ khói, đo âm lượng, kiểm tra đèn trước, các thiết bị này có thể dùng chung; cân tải trọng chỉ yêu cầu trang bị với dây chuyền kiểm định xe hoán cải, cải tạo; không yêu cầu dây chuyền phải có hầm kiểm tra gầm xe, mà có thể dùng cẩu nâng…

Cần nêu rõ trách nhiệm trong việc quản lý dữ liệu

Những quy định mang tính chất “vừa đóng vừa mở” mà dự thảo quy chuẩn mới đưa ra nếu có thể áp dụng vào thực tế sẽ mang lại nhiều điều mới mẻ cho hoạt động đăng kiểm trong thời gian tới.

Trong đó, quy định bổ sung yêu cầu bảo mật dữ liệu ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu là rất cần thiết để siết chặt công tác quản lý, hạn chế tiêu cực, sai phạm xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.

Đây được coi là yếu tố cốt lõi giúp ngành đăng kiểm sàng lọc hết những “hạt sạn”, làm sạch bộ máy và nâng cao chất lượng dịch vụ đăng kiểm trong tương lai gần. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ phần mềm bảo mật dữ liệu theo yêu cầu kia có thật sự phát huy được tác dụng như kỳ vọng hay không mới là điều quan trọng nhất.

Theo các chuyên gia, việc dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đơn vị đăng kiểm xe cơ giới thay thế Quy chuẩn QCVN103: 2019/BGTVT bổ sung quy định yêu cầu về bảo mật dữ liệu, ngăn chặn việc can thiệp từ bên ngoài vào dữ liệu, kết quả kiểm định xe cơ giới là rất cần thiết.

Song, cần có chế tài cụ thể đối với các cá nhân, tập thể liên quan trong trường hợp phần mềm bảo mật dữ liệu không thể bảo mật được và tình trạng xâm nhập vào hệ thống dữ liệu đăng kiểm vẫn xảy ra.

Dự thảo quy chuẩn hiện cũng bổ sung trách nhiệm của Sở GTVT kiểm tra, đánh giá lần đầu, định kỳ hàng năm, bổ sung và đột xuất các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm theo quy định tại quy chuẩn này, phù hợp với quy định tại Nghị định 30/2023 về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Ngoài ra, trong trường hợp Sở GTVT chưa thực hiện được việc kiểm tra, đánh giá lần đầu, định kỳ hàng năm và đột xuất các điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm theo quy định tại quy chuẩn này thì Sở GTVT có văn bản đề nghị Cục ĐKVN tiếp tục thực hiện nhưng không quá ngày 31/12/2025.

Đối với đơn vị đăng kiểm, quy chuẩn sửa đổi nêu rõ có trách nhiệm: Duy trì cơ sở vật chất đã được chứng nhận theo quy định để đảm bảo kết quả kiểm định chính xác, khách quan; khi thay đổi bố trí mặt bằng, xưởng kiểm định, khu vực kiểm tra và thiết bị kiểm tra phải được Sở GTVT kiểm tra, đánh giá lại. Chấp hành và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra, đánh giá lần đầu, định kỳ hàng năm và đột xuất.

Ngoài ra còn có trách nhiệm duy trì tính năng kỹ thuật, độ chính xác của thiết bị, bảo dưỡng thiết bị theo khuyến cáo của nhà sản xuất thiết bị. Khi thay đổi về một trong các nội dung về: Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm điều khiển thiết bị hoặc xảy ra sự cố đối với các thiết bị mà có ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của đơn vị kiểm định phải báo cáo Sở GTVT để được xem xét, chấp thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.