Thông tư 08 đi vào cuộc sống: Dân hưởng lợi, đăng kiểm… buồn

GD&TĐ - Thông tư 08/2023 áp dụng miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ khiến lượng xe đi kiểm định ít, doanh thu các trung tâm đăng kiểm sụt giảm.

Tăng giá dịch vụ kiểm định hiện nay là giải pháp căn cơ, cấp thiết để vực dậy các trung tâm đăng kiểm. Ảnh minh họa
Tăng giá dịch vụ kiểm định hiện nay là giải pháp căn cơ, cấp thiết để vực dậy các trung tâm đăng kiểm. Ảnh minh họa

Thông tư 08/2023 áp dụng miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ khiến lượng xe đi kiểm định ít, doanh thu các trung tâm đăng kiểm sụt giảm. Trong khi đó, nhiều chi phí khác tăng cao, dẫn đến các trung tâm đăng kiểm gặp khó khăn.

Thu không đủ chi

Kể từ khi Thông tư 08/2023 của Bộ GTVT có hiệu lực, cho phép xe cá nhân đến 9 chỗ miễn kiểm định lần đầu, tự động giãn chu kỳ kiểm định, các trung tâm đăng kiểm ở TP Hà Nội có lượng xe đến đăng kiểm sụt giảm nghiêm trọng. Lượng xe đăng kiểm sụt giảm, giá dịch vụ kiểm định không thay đổi 10 năm qua là những yếu tố khiến nhiều trung tâm đăng kiểm lao đao, thu không bù nổi chi.

Ghi nhận tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP Hà Nội, lượng xe đến đăng kiểm giảm đáng kể, trung bình mỗi ngày, mỗi trung tâm chỉ có khoảng 30 - 50 lượt xe tới đăng kiểm, giảm khoảng 50 - 70% so với những tháng trước đó. Để phục vụ nhu cầu của người dân, các trung tâm đăng kiểm chỉ cần vận hành một đến hai dây chuyền.

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại Hà Nội (xin được giấu tên) cho biết, hiện nay, các khoản thu của đơn vị đăng kiểm chủ yếu vẫn từ giá dịch vụ kiểm định xe từ 240 - 560 nghìn đồng/xe, tiền trích lại từ việc thu hộ phí bảo trì đường bộ là 1,32% tổng số tiền thu được, một số trung tâm kinh doanh bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới sẽ có thêm khoản thu 5% số tiền bán được.

“Tổng thu hiện nay chỉ hơn 255 triệu đồng/tháng, trong khi, các khoản chi mỗi tháng gồm: Tiền thuê đất 180 triệu đồng, tiền lương cho nhân viên khoảng 250 triệu đồng, tiền điện nước hơn 20 triệu đồng, tổng chi hơn 450 triệu đồng, chưa kể lãi ngân hàng”, vị lãnh đạo này phân tích.

Thực tế là 10 năm qua, giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới chưa thay đổi, trong khi, các yếu tố cấu thành lên giá dịch vụ đều đã tăng, đặc biệt là chi phí tiền lương, điện, nước và nhiều chi phí khác.

Chia sẻ khó khăn với các trung tâm đăng kiểm tư nhân, ông Trần Quốc Hoan - Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V (đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) - cho biết, đây thực sự là giai đoạn khó khăn, đăng kiểm tư nhân phải gồng mình gánh lỗ.

“Trung tâm Đăng kiểm 2903V may mắn hơn vì còn có Cục Đăng kiểm Việt Nam hỗ trợ tài chính. Thực sự, chưa bao giờ đơn vị lại khó khăn về kinh phí hoạt động như thời điểm hiện nay”, ông Trần Quốc Hoan chia sẻ.

Theo ông Hoan, đã hai tháng nay ông phải lên Cục Đăng kiểm Việt Nam xin hỗ trợ lương cho đăng kiểm viên, tiền thưởng cũng giảm 2/3. Nếu như cả lương và thưởng trước đây một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm nhận khoảng 20 triệu đồng/tháng thì nay cũng chỉ còn 14 triệu đồng/tháng.

Ông Hoan cho biết thêm, hiện trung tâm có 2 dây chuyền kiểm định với 30 nhân lực. Cao điểm trước đây, mỗi ngày đơn vị kiểm định 180 - 200 xe/ngày thì nay chỉ còn 50 - 60 xe. Thống kê công suất tháng 7/2023 chỉ bằng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải pháp căn cơ

Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903V cho rằng, việc tăng giá dịch vụ kiểm định là biện pháp căn cơ, quan trọng, nếu không, các trung tâm đăng kiểm không thể hoạt động trong bối cảnh hiện nay.

Đồng quan điểm, ông Trần Nguyên Sinh - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2908D - cho biết, đến thời điểm hiện nay doanh thu đơn vị đã giảm tới 80%.

“Doanh nghiệp đăng kiểm đang gồng mình vượt qua khó khăn nhưng không thể kéo dài lâu, nếu không có kinh phí rất khó giữ đăng kiểm viên. Việc tăng giá kiểm định thực sự rất cấp thiết”, ông Sinh nói.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng kiểm định so với cùng kỳ của các trung tâm đăng kiểm hiện nay chỉ đạt 50% - 60% công suất. Việc thực hiện chính sách miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ kiểm định nhiều loại xe là lý do lượng xe đi kiểm định ít, doanh thu các trung tâm đăng kiểm sụt giảm. Trong khi đó, các chi phí khác đều tăng khiến các trung tâm đăng kiểm gặp khó khăn.

Từ đầu năm 2023, khi Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng phương án tăng giá dịch vụ kiểm định, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đều ủng hộ, nhưng đề nghị mức tăng vừa phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Phương án tăng 26% - 28% được các bộ nhận định là hợp lý để các trung tâm đăng kiểm bù đắp chi phí tối thiểu.

Khi xây dựng phương án giá, Bộ GTVT định hướng đề xuất giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là giá tối đa theo Luật Giá để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đều ủng hộ phương án này.

Nhưng do Luật Giá hiện tại vẫn quy định giá dịch vụ kiểm định xe là giá cụ thể nên Bộ GTVT muốn ban hành mức giá tối đa thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa nghị định hiện hành. Việc này cần nhiều thời gian, có thể phải sang năm 2024 mới có thể ban hành và có thể nhiều trung tâm đăng kiểm không thể cầm cự duy trì hoạt động.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tính phương án đề xuất Bộ GTVT ban hành mức giá cụ thể về dịch vụ kiểm định xe cơ giới theo Luật Giá với mức tăng từ 26% - 28%. Phương án này kịp thời giúp các trung tâm đăng kiểm bù đắp chi phí, duy trì hoạt động, tránh được trường hợp trung tâm đăng kiểm quá khó khăn phải tự rút lui khỏi thị trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ