Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quy định số bài thi, hình thức thi tương tự như năm 2019, tuy nhiên có một số điều chỉnh mới, cụ thể như sau:
Tên kỳ thi được thay đổi thành“Kỳ thi tốt nghiệp THPT” với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT cho học sinh đã hoàn thành chương trình học phổ thông, tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng cũng có thể sử dụng kết quả thi cho mục đích xét tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do sở GD&ĐT chủ trì thực hiện, dự kiến rút thành phần đại học ra khỏi kỳ thi. Cán bộ tham gia công tác tổ chức thi là cán bộ, giáo viên của địa phương và có sự đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau trong tham gia coi thi, giám sát. Tăng cường công tác thanh tra thi, trong đó có sự tham gia của thanh tra tỉnh làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện Quy chế thi trong các khâu của Kỳ thi tại địa phương,...
“Việc giao kỳ thi cho sở GD&ĐT chủ trì cũng có những thuận lợi cho địa phương và kể cả trường đại học” – khẳng định điều này, ông Trần Tuấn Khanh phân tích:
Thứ nhất, sở GD&ĐT chủ động được số lượng nhân sự phục vụ kỳ thi, vì trước đây việc huy động đủ số người của đại học về địa phương phối hợp khá khó khăn;
Thứ 2, giảm kinh phí chi trả lưu trú, đi lại cho số lượng khá đông giảng viên đại học ở xa về coi thi tại địa phương.
Thứ 3, giải tỏa tâm lý đối với một số cán bộ, giảng viên đại học có hoàn cảnh gia đình hoặc sức khỏe không tốt e ngại việc đi xa coi thi về các địa phương, tuy nhiên do nhiệm vụ bắt buộc họ phải đi.
Kỳ thi luôn đặt tiêu chí an toàn, nghiêm túc, đáng tin cậy lên trên hết. Thực tế các năm vừa qua, Bộ GD&ĐT sử dụng phần mềm quản lý thi thống nhất để đảm bảo tính khách quan, tuy nhiên vẫn còn xảy ra một số tiêu cực ở một số địa phương. Cho nên, năm nay chắc rằng Bộ GD&ĐT sẽ có điều chỉnh phần mềm quản lý thi chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng, khách quan, tạo niềm tin cho thí sinh. Khi Quy chế được chính thức ban hành sẽ là hành lang pháp lý để các địa phương thực hiện.
Cùng với nhận định trên, ông Trần Tuấn Khanh đồng thời cho rằng, dự thảo Quy chế đáp ứng được yêu cầu giảm nhẹ áp lực cho học sinh trong tình hình phòng chống dịch bệnh Covid -19 trên cả nước.
Theo đó, yêu cầu đề thi có giảm nhẹ đi, lấy kết quả chủ yếu chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, cần phải tổ chức chặt chẽ, có sự kiểm tra, giám sát công tác tổ chức thi một cách sát sao. Cũng cần đưa người của đại học tham gia thanh, kiểm tra các khâu tổ chức kỳ thi, đặc biệt việc coi, chấm thi phải hết sức chặt chẽ đảm bảo công bằng đối với tất cả thí sinh.
“Khi giao việc tổ chức Kỳ thi cho địa phương chủ trì, kể cả việc coi thi, chấm thi thì cũng có nhiều thuận lợi cho địa phương như đã nêu ở trên. Đối với An Giang thì việc này cũng chưa có gì khó khăn. Truyền thống của tỉnh là coi, chấm thi nghiêm túc, đảm bảo theo quy chế thi, nghiêm túc, an toàn tuyệt đối” – ông Trần Tuấn Khanh khẳng định.