Dự thảo Quy chế thể hiện tính nhân văn trong giáo dục

GD&TĐ - Những ý kiến đóng góp, đề xuất của lãnh đạo Sở GD&ĐT, cán bộ cơ sở và phụ huynh HS ở Kon Tum đối với Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ.

Dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và nhà quản lý GD
Dự thảo Quy chế Kỳ thi THPT quốc gia nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia và nhà quản lý GD

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Sỹ Thư - Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum: Đẩy mạnh phân luồng HS sau phổ thông để đáp ứng yêu cầu mới của Kỳ thi THPT quốc gia

Đây là phương án thi phù hợp với việc tổ chức dạy học hiện nay ở các địa phương, trong đó có tỉnh Kon Tum, mà ngành GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo trong các năm học qua để đón đầu sự đổi mới trong tổ chức kiểm tra, thi của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sẽ không lúng túng, bị động khi thực hiện phương án thi này.

Đối với Kon Tum, HS trên địa bàn tỉnh có nhiều đối tượng với nhiều tầng năng lực, nhiều điều kiện hoàn cảnh khác nhau, nhất là HS con em đồng bào DTTS chiếm đa số, cho nên phương án này tạo cho HS chủ động lựa chọn nơi thi thích hợp với năng lực học tập, hoàn cảnh kinh tế và nhu cầu nghề nghiệp của cá nhân mình. 

Phương án thi năm nay tác động mạnh mẽ, rõ ràng đến việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh ngay từ những năm bước vào THPT.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 có 2 loại cụm thi: Cụm vừa tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thì do trường ĐH chủ trì, làm chủ tịch hội đồng, giảng viên ĐH coi thi…; còn cụm thi chỉ xét tốt nghiệp THPT thì do Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm tổ chức. Với việc tổ chức hai loại cụm thi này thì học sinh tuỳ vào sức học của mình để có sự lựa chọn đúng đắn, tránh lãng phí cả về mặt thời gian, tiền bạc cũng như sự áp lực.

Những thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương tuy không được sử dụng kết quả của Kỳ thi quốc gia để xét tuyển ĐH - CĐ, nhưng vẫn có thể được phép tham dự các kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ của các trường có phương án tuyển sinh riêng, điều này thể hiện tính nhân văn trong giáo dục. 

Thầy Nguyễn Ngọc Duyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Kon Tum: Cần làm tốt công tác định hướng cho học sinh trong chọn cụm thi

Mẫu đề, cấu trúc, phổ điểm của từng môn hiện nay chúng ta đều chưa biết, điều này theo tôi cũng là khó khăn đối với các cơ sở trong việc định hướng cho HS với kiểu đề kiểm tra năm 2015. Tuy nhiên, nhà trường đã và đang làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích rõ những vấn đề lớn trong Quyết định 3538 cho phụ huynh và HS; tạo điều kiện về mặt tâm lý tốt nhất cho các em chuẩn bị đón nhận những thay đổi lớn trong kỳ thi.

Để chuẩn bị cho những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi cũng đã tổ chức hội thảo về vấn đề dạy học theo cách phát triển năng lực HS từ đầu năm học, qua đó tìm hướng điều chỉnh cách dạy của giáo viên và cách học của HS.

Cùng với việc ổn định tâm lý cho HS, thi đua dạy tốt học tốt, các trường cũng phải làm tốt công tác định hướng cho các em là chọn thi tại địa phương hay thi tại cụm. 

Bởi lẽ, trước quy định tổ chức 2 cụm thi, nếu các trường không làm tốt khâu định hướng, phân luồng cho HS sẽ dễ dẫn đến tình trạng hầu hết cha mẹ, con cái lại khăn gói đi thi cụm với mong muốn có một “suất” ở trường ĐH. Trong khi đó, với các em học lực yếu mà chọn đi thi theo cụm là một quyết định khá “phiêu lưu”.

Chị Nguyễn Ngọc Anh (phụ huynh HS, phường 7, Tân Phú, TPHCM): Mỗi phiếu báo điểm nên được đăng ký theo một tổ hợp môn

Với phương thức đổi mới tuyển sinh năm nay, nhiều trường đã mở ra các tổ hợp môn mới so với truyền thống, rộng cửa cơ hội cho thí sinh. Vì thế, chọn thêm nhiều môn, thí sinh có thể tăng thêm cơ hội vào ĐH. Cùng một ngành tuyển nhiều tổ hợp khác nhau, thí sinh yếu một môn nào đó có thể chọn thi môn mình có thế mạnh để tăng sức cạnh tranh. 

Tuy nhiên, trong Dự thảo Quy chế của Bộ GD&ĐT đề xuất quy định tổ hợp môn thi khác với các khối thi truyền thống, chỉ được phép chiếm không quá 25% ngành nghề đào tạo của các trường. Số còn lại dành cho tuyển theo khối thi truyền thống năm trước. Như vậy, dù rộng khối đăng ký nhưng không có nghĩa là rộng chỉ tiêu tuyển sinh.

Đáng chú ý là so với năm trước, thí sinh sẽ mất đi một nguyện vọng (NV) 1. Trước đây, thí sinh ôn thi 2 khối  A1 và D sẽ thi trong hai đợt thi khác nhau. Do đó, các cháu sẽ được 2 NV 1 vào 2 trường khác nhau ngay trong đợt đầu. 

Nghĩa là, cơ hội chọn được trường tốp đầu của các cháu khá giỏi tăng. Còn năm nay theo Dự thảo mỗi HS nhận được 4 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển. 

Nhưng mỗi thí sinh trong một đợt xét tuyển chỉ được sử dụng một giấy chứng nhận vào một trường và được đăng ký tối đa 4 ngành vào trường đó theo thứ tự ưu tiên. Như vậy, thực ra, các cháu chỉ phát huy được 1 tổ hợp môn cho NV 1. 

Để rộng cơ hội cho các cháu, nên chăng quy định mỗi thí sinh nhận 4 phiếu báo điểm. Mỗi phiếu báo điểm thí sinh được nộp theo 1 tổ hợp môn của 1 trường để tăng cơ hội trúng tuyển NV 1? Như vậy, ngay trong đợt xét tuyển đầu, thí sinh có tối đa 4 NV 1 vào 4 trường. Nếu rớt NV 1, thí sinh xét tiếp NV 2, 3, 4 theo tổ hợp môn vào tiếp các ngành khác của 4 trường đó?

“Việc tổ chức coi thi, chấm thi với 2 địa điểm giúp HS đạt được những mục đích khác nhau trong một kỳ thi cuối cấp THPT; phù hợp với những yêu cầu và tính chất khác nhau của từng điểm tổ chức thi như: Thi tại cụm do các trường ĐH chủ trì để có cơ sở xét vào đại học, thi tại địa phương để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 

Phương án này cũng đảm bảo được yếu tố khách quan cần thiết để tuyển học sinh có năng lực vào các trường đại học trong điều kiện giáo dục hiện nay của nước ta; đảm bảo yêu cầu “2 trong 1” của việc đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào các trường đại học”.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Sỹ Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.