Cần định nghĩa về chuẩn văn bằng
Trước đó, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho hai dự thảo Luật nói trên. Theo PGS.TS Trần Văn Tớp - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, cần có định nghĩa chính xác về các văn bằng (diplome) và học vị (degree). Học vị (degree) cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là gắn với trình độ và bậc đào tạo, có được học vị là do đào tạo, năng lực của mỗi người ứng với bậc đào tạo.
Điều 43 Luật Giáo dục 2005 có nêu: Bằng tốt nghiệp ĐH của ngành kỹ thuật gọi là kỹ sư, của ngành kiến trúc gọi là kiến trúc sư, của ngành y, dược gọi là bác sĩ, dược sĩ, của ngành khoa học cơ bản, kinh tế là cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp ĐH.
PGS.TS Trần Văn Tớp cho rằng, cần có định nghĩa chính xác về các văn bằng (diplome) và học vị (degree). Học vị (degree) cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ là gắn với trình độ và bậc đào tạo, có được học vị là do đào tạo, năng lực của mỗi người ứng với bậc đào tạo.
Người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của một trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được cơ sở giáo dục đại học công nhận học vị và cấp bằng tương ứng.
Ông đề xuất thay cụm từ “có bằng” bằng cụm từ “tốt nghiệp” hoặc “có học vị” trong toàn bộ Luật. Người tốt nghiệp trình độ nào thì được công nhận “học vị” tương ứng và được cấp văn bằng tốt nghiệp ở trình độ đó (văn bằng chỉ là tờ giấy chứng nhận).
Văn bằng (diplome) chỉ là giấy chứng nhận (certificate) giống như chứng minh thư nhân dân xác nhận tôi là tôi. Người tốt nghiệp trình độ ĐH được công nhận học vị cử nhân và được cấp bằng cử nhân, học vị thạc sĩ (bằng thạc sĩ), học vị tiến sĩ (bằng tiến sĩ). Đề nghị thay tên gọi “bằng đại học” bằng “bằng cử nhân”, để nhất quán với “bằng thạc sĩ”, “bằng tiến sĩ” và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng với đó, đối với các chức danh nghề nghiệp, PGS.TS Trần Văn Tớp nêu quan điểm: Chức danh nghề nghiệp luật sư là cử nhân luật sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực tranh tụng, tố tụng được do Hội Luật sư công nhận là Luật sư.
Còn kiến trúc sư là cử nhân kiến trúc sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc được công nhật là kiến trúc sư; bác sĩ là cử nhân y sau thời gian hoạt động trong lĩnh vực y tế hoặc chuyên khoa, qua đào tạo chuyên khoa được công nhận/cấp bằng bác sĩ.
Cũng theo PGS.TS Trần Văn Tớp, hiện nay, có xu hướng rút ngắn thời gian đào tạo. Đặc biệt có thông tin là các trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng, cấp bằng cao đẳng nhưng lại có danh hiệu cử nhân công nghệ và kỹ sư thực hành, làm cho giáo dục đại học trong đó có cao đẳng càng trở nên rối.
Nên thống nhất với hệ thống luật khác
Theo ý kiến của PGS.TS Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần rà soát lại toàn bộ để có sự thống nhất với hệ thống luật, trước hết là Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, xét riêng về Luật Giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Phan Thanh Bình đặt vấn đề: Trên thế giới nếu đại học từ cao đẳng đi lên thì chúng ta có theo Luật Giáo dục đại học hay không? Còn đứng về góc độ chuyên môn nếu coi đại học từ cao đẳng đi lên thì ai quản lý? Vì thế cần nghiên cứu thấu đáo vấn đề này. Ngoài ra, chúng ta cần phải xem xét và rà soát sự tương quan với các luật khác.
Chẳng hạn khi nói về học phí thì chúng ta có vi phạm vào Luật Giá hay không? Hay khi chúng ta nói về đất cho các trường thì cần nghiên cứu xem có vi phạm Luật Đất đai hay không? Vì vậy, cái gì rõ rồi thì chúng ta quy định, cái gì chưa rõ nhưng thấy đúng thì nên đặt ra nguyên tắc và nên ghi: Cụ thể giao do Chính phủ. Tất nhiên chúng ta phải có hành lang pháp lý trước nếu không sau này muốn làm gì cũng không nổi.
PGS.TS Phan Thanh Bình rất hoan nghênh Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung một số điều. Qua soạn thảo lần 2, Ban soạn thảo đã tiếp thu rất tốt ý kiến đóng góp của các chuyên gia.