Thẩm tra Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục

GD&TĐ - Sáng 21/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTNNĐ) của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 6 thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ Phan Thanh Bình chủ trì phiên họp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành trung ương tham dự phiên họp.

Theo dự thảo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nghiên cứu, rà soát và đề xuất sửa đổi 36/114 Điều của Luật Giáo dục, chiếm 31,58%.

Trong đó, phạm vi sửa đổi hướng vào các nhóm chính sách gồm: Sửa đổi, bổ sung hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; sửa đổi, bổ sung quy định về giáo dục phổ thông để đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông; đổi mới thời gian đào tạo các trình độ đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục đại học và hội nhập quốc tế.

Cũng theo dự thảo tờ trình của Chính phủ, trong quá trình soạn thảo, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân, có rất nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung hướng vào các chính sách như: chính sách học phí học sinh sinh viên sư phạm; trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; về học phí; về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận văn bằng nước ngoài; đầu tư và nguồn lực tài chính cho giáo dục; trách nhiệm của nhà trường, gia đình, xã hội…

Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá tác động các vấn đề và chính sách, lồng ghép các nội dung cần sửa đổi, bổ sung ở các mức độ khác nhau tại các điều Luật có liên quan của dự thảo.

Với thực tế trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung; trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phạm vi đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật, cơ quan soạn thảo nhận thấy dự thảo Luật có thể đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tên gọi Luật Giáo dục sửa đổi (hoặc Luật Giáo dục năm 2018).

Vì vậy, nếu được Quốc hội cho phép về việc điều chỉnh tên Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của Luật, các cơ quan quản lý có liên quan để đảm bảo khả thi, đáp ứng yêu cầu của Luật.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như những mục tiêu xây dựng dự án Luật được nêu trong tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.

Ủy ban đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến của các thành phần, đối tượng chịu sự tác động, các cơ quan quản lý liên quan để xây dựng các chính sách, quy định của Luật Giáo dục phù hợp và khả thi.

Đối với các luật chuyên ngành đã có như giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học vẫn cần có những quy định có tính nguyên tắc trong Luật Giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu, giải trình một số nội dung trong dự thảo Luật Giáo dục
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp thu, giải trình một số nội dung trong dự thảo Luật Giáo dục

Theo đó, cần xem xét giữ lại, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về các lĩnh vực này. Đối với các lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh chi tiết, như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, nhà giáo cần ngiên cứu, cụ thể hóa một số nội dung đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn và các nội dung khác để phát triển các lĩnh vực này. Đồng thời, cần nghiên cứu, đưa ra những quy định mang tính dự báo, đặt nền móng và tạo cơ sở pháp lý để triển khai những chính sách giáo dục mới.

Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết về giáo dục mầm non cho tương xứng với vai trò, vị trí của bậc học này; nghiên cứu để thể chế hóa quan điểm nhằm đạt được mục tiêu liên quan đến chính sách phổ cập; nghiên cứu để có điều luật riêng về tổ chức thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục; quy định mang tính nguyên tắc về chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, văn bằng, chức danh và tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng dạy/hướng dẫn, giáo sư, phó giáo sư… đối với các lĩnh vực đào tạo đặc thù, có tính thực hành cao (như y tế, nghệ thuật, thể thao…).

Tại phiên họp, Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội đã biểu quyết nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung liên quan đến dự thảo Luật Giáo dục. Cụ thể, thống nhất đây là luật chung, từ đó xây dựng các luật chuyên ngành; thống nhất nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục và đổi tên thành “Luật Giáo dục sửa đổi”.

Về chính sách với học sinh, sinh viên sư phạm, Ủy ban đã biểu quyết lấy ý kiến về việc nên tiếp tục miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm như hiện nay hay theo phương án cho vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí, sau khi tốt nghiệp nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ được trả lại khoản vay tín dụng như trong dự thảo Luật. Kết quả biểu quyết nghiêng về phương án cho vay tín dụng sư phạm.

Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ