Du ngoạn vào 'Ký ức xuyên không'

GD&TĐ - Một chú dế mèn thảnh thơi trên trang sách. Một cánh diều bồng sáo vắt lên cung trăng. Một đàn cò sải cánh dọc dải đồi xanh thẳm.

Họa sĩ Lê Thanh Bình tại triển lãm cá nhân 'Ký ức xuyên không'. Ảnh: NVCC
Họa sĩ Lê Thanh Bình tại triển lãm cá nhân 'Ký ức xuyên không'. Ảnh: NVCC

Một bầy trẻ thơ ríu ran ước mơ… Cứ thế, cứ thế, họa sĩ Lê Thanh Bình dẫn dắt công chúng du ngoạn vào một “Ký ức xuyên không” với những tác phẩm hội họa “trọn vẹn của vẻ đẹp hình thức và tính sâu sắc của nội dung”, như nhận xét của họa sĩ Lê Thế Anh.

Chưa bao giờ xa

Triển lãm cá nhân “Ký ức xuyên không” của họa sĩ Lê Thanh Bình vừa được khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và hội ngộ với công chúng yêu hội họa đến cuối tháng 10/2022.

Bằng những nét cọ được thể hiện theo phong cách siêu thực, “Ký ức xuyên không” - triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ sinh năm 1979 Lê Thanh Bình (dù khá “quen mặt” ở một số triển lãm quốc tế tại Tây Ban Nha, Trung Quốc, Itali, Banglades hay tại triển lãm nhóm tại Việt Nam) - sẽ kể 20 câu chuyện không chỉ là những miền ký ức chưa bao giờ xa xôi của riêng họa sĩ mà còn là của biết bao người.

Kia, một “Giai điệu ký ức” thánh thót từ đôi tay thiếu nữ để mở ra không gian ký ức tuổi thơ trong trẻo, không chỉ có gấu bông, phím đàn, chiếc áo lá đa cổ nữ hoàng mà còn có cả chú chuột cuộn mình trong phong giấy, con cua giương mắt, đôi cá thổi kèn, cánh bèo tây xanh biếc…

Đây, một “Tiếng đồng vọng” từ con diều lá đa mang cây sáo bắc thang lên tận cung trăng cùng cung đường sắt vắt nối dài. Trên đó có người que tre cưỡi trâu lá đa rồi lái phản lực chong chóng bên đám cào cao, bọ ngựa bay lao xao. Thấp thoáng phía xa xa là đoàn tàu khởi hành từ cổng làng cổ kính, rêu phong…

Kia, một “Miền ánh sáng” nơi có chiếc la bàn bật mở hai khoảng không đối lập:

Một nửa là vùng tối trầm lắng, sâu thẳm, lộ ra ngoài những viên bóng bida được đánh số, cùng một người que cưỡi cá ngựa tay vung lưỡi đao.

Một nửa là khoảng sáng với cây kim chỉ hướng cùng những chú ong tiến về các nấc thang xòe ra từ rẻ quạt và tinh tế bắc nhịp nối liền… Đây, một “Níu giữ” của cánh diều với mặt đất, của cá cờ với đám bèo, của đôi chân chuồn chuồn tạo hình gọng vó cùng chiếc sảo bật nan...

Và kia, một “Hành trình” của đàn chim hạc sải cánh trong không gian trập trùng, thăm thẳm mở ra những vùng đất biếc xanh. Đây, một “Hạnh phúc” của những mầm xanh tưng bừng hóa trang, rước đèn ông sao, đèn lồng cá chép trong đêm hội… “Ở đây có các bạn rước đèn Tết Trung thu mẹ ơi”, một bé trai reo vui khi cùng mẹ và anh xem bức tranh “Hạnh phúc”.

Đó còn là những “Truyền thống”, “Bất tử”, “Cánh cổng”, “Dấu mòn”, “Trầm tích”, “Sự tồn tại vô hình”, “Đối thoại”, “Giao thoa”, “Tình yêu của mẹ”, “Sự vĩnh hằng của mẹ”, “Chở che”, “Ước mơ”… đều lấp lánh vẻ đẹp hôm qua nhưng chưa bao giờ xưa cũ với hôm nay.

Sự sống thuần khiết, mộc mạc được chở che trước sự xâm lấn của máy móc công nghiệp (Tác phẩm “Chở che” của họa sĩ Lê Thanh Bình).

Sự sống thuần khiết, mộc mạc được chở che trước sự xâm lấn của máy móc công nghiệp (Tác phẩm “Chở che” của họa sĩ Lê Thanh Bình).

Sự tinh tế, bay bổng trong tác phẩm “Tiếng đồng vọng” của họa sĩ Lê Thanh Bình.

Sự tinh tế, bay bổng trong tác phẩm “Tiếng đồng vọng” của họa sĩ Lê Thanh Bình.

Tác phẩm “Truyền thống” của họa sĩ Lê Thanh Bình có góc nhìn mới về sự tiếp nối giữa hiện tại và quá khứ.

Tác phẩm “Truyền thống” của họa sĩ Lê Thanh Bình có góc nhìn mới về sự tiếp nối giữa hiện tại và quá khứ.

Siêu thực trong cụ thể

Thưởng lãm triển lãm “Ký ức xuyên không” của Lê Thanh Bình, người xem dễ dàng nhận thấy, bằng việc đi từ sự cụ thể đến khái quát, từ hiện thực đến trừu tượng, mỗi tác phẩm không kể một câu chuyện thuần nhất mà là lớp lang những điều thân thuộc mà chứa đựng những giá trị văn hóa đất Việt độc đáo, bền vững trong ký ức xôn xao của mỗi người.

Những điều thân thuộc ấy mang tính lặp lại và hiển hiện trên những sự vật, sự việc nhỏ xinh, tinh nghịch, dễ thương nơi đồng quê, từ cơi trầu, quả cau, bình vôi, bát điếu, chiếc chiếu, áo tơi, rổ tre, cánh diều, tàu chuối, bèo tây đến dế mèn, cào cào, ong, trâu, cái kén ve sầu…

Điều thân thuộc còn là những dáng hình cổng làng, giếng làng, con chó đá hay hình nét chim hạc cùng hoạt động cấy cày, giã gạo… của nhà nông mà mọi người vẫn thường gặp trên những bức họa của người cổ đại hay trên hoa văn trống đồng ngàn năm.

Nhưng, dưới góc nhìn và nét cọ đầy cá tính được thể hiện bằng chất liệu sơn dầu trên vải lanh, khổ lớn của họa sĩ Lê Thanh Bình thì tất cả thật lạ lẫm, mang nhiều sức gợi. Và ở đó luôn có sợi chỉ kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa hôm qua và hôm nay, bằng sự hiện diện khéo léo của bảng màu, giá vẽ, họa sĩ, có khi là nền, có khi thấp thoáng đâu đó, cũng có khi trực tiếp tham gia vào bố cục tác phẩm.

Ở tác phẩm “Truyền thống”, một chú trâu vàng vẫn mang trên mình cặp sừng cong vút, cùng chiếc dây thừng, cái vòng khuyên mũi và thung thăng bước qua cổng làng nhưng vắt trên lưng được tạo hình bởi cuộn vòng lớp lang không phải là một mục đồng thổi sáo mà là tấm thảm in hình họa tiết hoa văn trên trống đồng Việt cổ.

Hình ảnh cổng làng ở đây cũng thật khác biệt khi thế đứng sừng sững ngàn năm không bị chôn chặt trong một điểm cố định mà là sự tự cất mình, được kê cao với những sách chồng sách.

Bé trai cùng mẹ và anh trai thích thú xem bức tranh “Hạnh phúc”. Ảnh: Bình Thanh

Bé trai cùng mẹ và anh trai thích thú xem bức tranh “Hạnh phúc”. Ảnh: Bình Thanh

Bước ra từ một hình ảnh cổng làng đặc biệt ấy, chú trâu vàng đã trở thành biểu tượng của truyền thống - cả truyền thống lao động nhà nông và cả truyền thống văn hóa mấy ngàn năm lịch sử.

Ở tác phẩm “Dấu mòn” lại là một gợi mở cần giải mã từ những chi tiết thân thuộc: Quả trứng cựa mình bung tỏa với chiếc sừng vàng, cái chân bộ guốc, con cá, con cua, chuồn chuồn, dế mèn…

Hay trong tác phẩm “Chở che” là một cảm xúc ngạc nhiên đến bồi hồi trước dải lụa đỏ mang họa tiết, hoa văn truyền thống cùng tấm áo tơi của người miền Trung ôm trọn những cánh bèo, chuồn chuồn, cá cờ, ốc sên bé nhỏ, mong manh…

Sự sống thuần khiết, mộc mạc ấy được chở che trước sự xâm lấn của máy móc công nghiệp - được thể hiện qua hình ảnh lưỡi máy cày cắm sâu trên tấc đất. Và tất cả được thể hiện bằng bút pháp siêu thực trong một không gian “xuyên không” – sự phi thời gian khi hôm qua và hôm nay luôn có sự kết nối bền chặt rất riêng của Lê Thanh Bình.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông, sẽ không khó để nói hội họa của Lê Thanh Bình là siêu thực, tuy nhiên nó không giống siêu thực cổ điển với các nguyên tắc đảo lộn phối cảnh không gian hay sự kết hợp các hình thù kỳ dị của giấc mơ hay tiềm thức dẫn lối. Nó giản dị hơn thế, nó là nhu cầu muốn đưa ký ức lên mặt tranh.

“Ký ức là một phạm trù thời gian không đông cứng như hóa thạch, nó gắn liền với không gian 3 chiều, trở thành một contin-uum (liên tục) không – thời gian có thể biểu diễn bằng nghệ thuật hội họa và sáng tác của Lê Thanh Bình mang phong cách siêu thực như thế…

Và, đây vừa là cuộc giãi bày thế giới tinh thần của Lê Thanh Bình vừa là một tuyên ngôn nghệ thuật; đưa chiều dài thời gian ký ức trộn lẫn với 3 chiều không gian - một không - thời gian của nghệ sĩ”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông nhấn mạnh.

Từ hiện tại xoay chiều về quá khứ

- Vì sao lại là một “Ký ức xuyên không”, thưa họa sĩ?

- Với tôi, ký ức là quá khứ gồm những kỷ niệm đẹp được kế thừa bởi truyền thống có sự chuyển tiếp cho hiện tại và tương lai. Tức là tôi dùng cái nhìn của hiện tại để xoay chiếu về quá khứ, dùng cái hiện tại để sàng lọc ký ức của quá khứ. Chính cái đó là sự giao thoa giữa hiện tại và quá khứ - một sự xuyên không của ngày mai xuất phát sớm và trở về hôm qua - dẫn đến cái hiệu quả của tác phẩm hàm chứa tất cả những điều tôi muốn gửi gắm.

- Những tác phẩm siêu thực ý chồng ý, lớp chồng lớp tại triển lãm này liệu có phù hợp để giữ chân công chúng thời hiện đại lúc nào cũng tất bật bước vào thưởng thức không?

- Mỗi tác phẩm đến được với công chúng là sự chuẩn bị, chắt lọc của họa sĩ trong nhiều tháng năm. Vì vậy, khi thưởng thức nghệ thuật mọi người không nên vội vàng. Với tôi, từ những gặp gỡ ban đầu ở triển lãm này và được công chúng đón nhận đã là một thành công. Sau đó, mỗi người có thể từ từ bước vào thế giới của “Ký ức xuyên không” rồi tiếp tục khám phá để từ từ theo năm tháng, theo thời gian sẽ ngấm dần, cảm thấy thích, thấy yêu và rung động trước từng lớp ý theo cách cảm, cách hiểu của mỗi người. Có một tin vui tôi muốn chia sẻ là, đã có một số tác phẩm như “Truyền thống”, “Trầm tích”… đã được đặt mua.

- Dễ dàng nhận thấy, ký ức xuyên không nổi bật, tập trung nhất tại triển lãm là ký ức về tuổi thần tiên?

- Ký ức sâu đậm nhất trong tôi là một thời trẻ thơ luôn có tiếng cười vô tư vô lo, vô nghĩ. Tiếng cười ấy trong sáng vô cùng và nó chứa đựng tất cả…

- Có phải từ sự nổi bật và tập trung ấy họa sĩ muốn hướng nhiều hơn đến đối tượng công chúng đang ở độ tuổi teen?

- Ký ức của họa sĩ được chuyển tải, đúc kết và thể hiện qua một tác phẩm nghệ thuật không bị giới hạn bởi một đối tượng nào. Tất cả công chúng đều có quyền trải nghiệm, thưởng thức, tìm đến và trở về với chính họ.

Và, nghệ thuật cũng giống như tình yêu, ta không thể nói hết bằng lời và cần được cảm nhận bằng trái tim. Một họa sĩ khi vẽ xong và ký tên lên đó, bức tranh ấy chưa thực sự hoàn thiện. Có một yếu tố vô cùng quan trọng – yếu tố cuối cùng đó là công chúng. Hy vọng cuộc gặp gỡ ban đầu này của tôi tạm để công chúng nhớ tới một họa sĩ, một Lê Thanh Bình với “Ký ức xuyên không”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.