Dự luật Phòng, chống tác hại rượu bia: “Yếu đi” vì đâu?

GD&TĐ - Dự luật Phòng, chống tác hại rượu bia đã trải qua 2 kỳ họp Quốc hội. Dự luật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân, tuy nhiên những tác động nhằm bảo vệ sự phát triển của ngành công nghiệp rượu bia là những yếu tố khiến dự luật có những thay đổi. Dư luận cho rằng, ở dự thảo đưa ra lần này các điều khoản, chế tài có tính răn đe yếu đi. Việc thông qua luật, nhưng hiệu quả kiểm soát không cao, thì không mang lại nhiều ý nghĩa đối với việc phòng, chống tác hại của rượu bia với sức khỏe và sự phát triển của xã hội.

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do “ma men” gây ra (ảnh minh họa)
Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do “ma men” gây ra (ảnh minh họa)

Có sự “giằng co” với doanh nghiệp?

Theo Ủy ban ATGTQG, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019 (từ 16/12/2018 - 15/4/2019) cả nước đã xảy ra 5.453 TNGT, làm chết 2.570 người, bị thương 4.179 người. Riêng trong tháng 4/2019 (từ 16/3 - 15/4) TNGT đã cướp đi mạng sống của 665 người, làm bị thương 1.038 người. Với nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, con số thống kê khiến nhiều người giật mình, bởi có đến 36,2% nam giới gây tai nạn có uống rượu bia.

Số liệu thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD. Cụ thể,người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn trong năm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật cho biết: Những tác hại của rượu bia đối với người tiêu dùng đã cho thấy rượu bia phải được kiểm soát đặc biệt. Nó không chỉ gây hại cho sức khỏe người dùng, mà là mối nguy cho xã hội, với các vụ TNGT, bạo lực gia đình...

Ông Quang cho rằng: 3 biện pháp hiệu quả nhất để giảm tác hại của rượu bia mà Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo là: Kiểm soát sự sẵn có của rượu bia; Kiểm soát quảng cáo rượu bia và Chính sách thuế và giá. “Tuy nhiên, khi lợi ích sức khỏe mang tính chất xã hội (bao gồm vấn đề TNGT, gây rối trật tự, bạo lực gia đình…) có sự liên quan tới lợi ích kinh tế chắc chắn sẽ có sự “giằng co”.

Quan điểm của Chính phủ là phải bảo đảm sự dung hòa giữa các vấn đề này, nhưng phải lấy lợi ích sức khỏe, lợi ích xã hội làm nền tảng. Có như vậy chúng ta mới bảo đảm được chính sách an sinh xã hội. Điều này sẽ làm nền móng cho việc phát triển bền vững, tiến tới sẽ đạt được các chỉ tiêu mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những khuyến cáo rằng luật phải căn cứ vào sức khỏe và lợi ích an sinh của người dân. Song doanh nghiệp thường đứng trên quyền lợi của họ”, ông Nguyễn Huy Quang nói.

Dư luận xã hội đặt câu hỏi, 155 nước trên thế giới đã có luật về kiểm soát rượu bia với những điều khoản và chế tài mạnh tại sao Việt Nam chưa thực hiện được? 176 quốc gia trên thế giới đã có quy định cấm bán rượu bia theo giờ vậy vì sao Việt Nam không đưa ra được quy định này?

Giảm nhẹ các điều khoản và chế tài

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết, bà rất bất ngờ khi Dự thảo lần này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên Internet. Cụ thể vấn đề quảng cáo trong Dự luật không bảo đảm tính kế thừa của những quy định trước đây. Trong Nghị định của Chính phủ cũng đã quy định rõ, nhưng khi đưa vào soạn thảo mới những điều khoản mạnh đã bị bỏ ra ngoài. Nó không thể hiện được việc bảo đảm cho trẻ em trong việc tiếp cận các thông tin quảng cáo về rượu bia. Trẻ em sẽ tiếp cận với các thông tin quảng cáo này một cách dễ dàng trên truyền hình (chỉ cấm vào khung giờ quy định).

Trong Dự luật hiện tại đã bỏ ra ngoài cụm từ “đồ uống có cồn”, mà đồ uống có cồn hiện nay có độ cồn từ 4,2 độ trở lên. Đối với trẻ em, khi đồ uống có cồn được quảng cáo thì các loại nước trái cây lên men, nước trái cây có ga vẫn có độ cồn. Do đó, nếu không có những quy định chặt chẽ về pháp luật, hay chế tài, trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận những sản phẩm đó. Cho nên các điều khoản phải thực tế, phải có tính dự báo của người tiêu dùng trong đó có đối tượng trẻ em.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, dư luận cho rằng đã có sự can thiệp của các hiệp hội rượu bia về Dự luật này. Rõ ràng sự can thiệp của các hiệp hội trong đó có những đơn vị sản xuất kinh doanh đồ uống có cồn là điều không nên khi hướng tới việc xây dựng bộ luật bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. “Chúng ta đang bàn về vấn đề quản lý rượu bia ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng thì không nên có sự can thiệp của các hiệp hội, nhà sản xuất trong quá trình soạn thảo. Vì ít nhiều chính họ cũng là đối tượng nằm trong phạm vi đó nên họ cần có những động thái hợp lý.

Để có được đầy đủ cơ sở để nhận định có lobby hay không, hoặc có sự tác động can thiệp với Dự luật này hay không, chúng tôi chưa đủ bằng chứng cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có những thông tin từ nhiều nguồn về vấn đề này. Nếu thực sự có những tác động và can thiệp như thế, Ban soạn thảo cũng phải thận trọng và cân nhắc. Cần lấy quyền lợi của người tiêu dùng, trong đó có những đối tượng yếu thế là phụ nữ và trẻ con để xây dựng Dự luật. Bởi họ là nạn nhân của những vụ việc do tác hại của rượu bia mang lại”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh.

Bà Hiền cho rằng, cần phải có những giải pháp mang tính ngăn ngừa vững chắc nhất, vì tính ngăn ngừa sẽ là những rào cản đầu tiên để bảo vệ cho người tiêu dùng. Chúng ta không nên bỏ qua hoặc thậm chí thay đổi, giảm nhẹ về câu, từ. Vì như vậy giá trị của Bộ luật đặt ra sẽ bị yếu đi và thực sự không có giá trị nhiều. Dự luật cần phải được bổ sung, gia cố các điều khoản mạnh mẽ mang tính chất giải pháp, ngăn ngừa từ đầu thì sẽ thuận lợi hơn trong vấn đề chúng ta làm luật. Khi áp dụng vào cuộc sống, việc ngăn ngừa sẽ là biện pháp đầu tiên.

Đối với vấn đề quảng cáo, chúng ta không nên tạo điều kiện cho các quảng cáo về rượu bia một cách tự do; Không cho phép các nhà sản xuất rượu bia và nước uống có cồn có những quảng cáo với nội dung làm sai lệch thông tin của sản phẩm. Vì người tiêu dùng sẽ cho rằng sản phẩm đó là tốt cho sức khỏe của họ. Không phải chúng ta cấm quảng cáo hoàn toàn, mà chúng ta phải cân nhắc trong từng điều khoản để làm sao tốt cho sức khỏe của các đối tượng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.