Dư luận quốc tế sau thượng đỉnh Putin – Biden tại Geneva

GD&TĐ - Hội nghị thượng đỉnh Nga Mỹ giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Joe Biden đã kết thúc tại Geneva, Thụy Sĩ. Một số ý kiến đã được đưa ra sau sự kiện được mong đợi này.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva.
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden tại Geneva.

Cựu quan chức Nhà trắng Thomas Graham, từng làm trợ lý cho cựu Tổng thống George W.Bush cho rằng thượng đỉnh Mỹ Nga vừa qua là “một khởi đầu tốt” khi muốn cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các bên có thể hiện sự linh hoạt cần thiết hay không.

“Cuộc họp diễn ra như đã được dự đoán rộng rãi là không có đột phá. 2 vị tổng thống rõ ràng đã đề cập đến một loạt các vấn đề, bao gồm cả những vấn đề mà họ hy vọng có thể hợp tác ví dụ như sự ổn định chiến lược và những vấn đề khó tránh khỏi tranh chấp như Ukraine, nhân quyền…” – chuyên gia Mỹ nói – “Cả hai bên đều nói rằng các cuộc hội đàm mang tính xây dựng và 2 tổng thống đều thể hiện sự tôn trọng đối phương. Và đã có một thỏa thuận tiếp tục đàm phán về một số vấn đề hạn chế như ổn định chiến lược, quy tắc mạng… Nói chung đây là một khởi đầu tốt” – ông lưu ý.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hoan nghênh kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Trong một tuyên bố, ông kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) duy trì đối thoại với Moscow và thảo luận cởi mở về tất cả những khác biệt hiện có.

“Tôi hài lòng với hội nghị thượng đỉnh ngày hôm qua giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin. Với sự trở lại của các đại sứ 2 nước, các kênh đối thoại giữa 2 siêu cường sẽ mở ra. Chúng ta phải đi theo con đường này ở EU. Điều quan trọng là phải duy trì đối thoại và đưa ra lập trường rõ ràng trong trường hợp có sự khác biệt, ví dụ, chúng ta phải thảo luận cởi mở vấn đề nhân quyền” – Thủ tướng Áo nói.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serey Ryabkov nói rằng tại thượng đỉnh ở Geneva, Mỹ đã không cố gắng bảo vệ các đồng minh của mình ở phương Tây.

Trả lời câu hỏi có phải người Mỹ chỉ thúc đẩy lợi ích của họ trong các cuộc đàm phán ở thượng đỉnh, ông Ryabkov nói: “Cụ thể tại cuộc họp này, tôi không thấy đàm phán về sự can thiệp của Mỹ tương tự như đã diễn ra cách đây vài tuần khi Washington đột nhiên lo ngại về việc đưa Cộng hòa Séc vào danh sách các quốc gia không thiện chí của Nga. Tại thượng đỉnh này, không có điều tương tự nào xảy ra”.

Giáo sư Nubuo Shimotomai, một trong những chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản về Liên xô cũ, cho rằng thượng đỉnh Nga Mỹ sẽ có tác động tích cực đến cuộc đối thoại giữa Moscow và Tokyo vì nhìn chung, nó đưa quan hệ giữa Nga và Mỹ đi theo hướng bình thường. Điều này cực kỳ quan trọng với toàn bộ thế giới.

“Kết quả cuộc gặp ở Geneva để lại một ấn tượng chung thuận lợi: các nhà lãnh đạo 2 nước đã bày tỏ ý định đưa quan hệ Mỹ và Nga, vốn bị trật bánh trong những năm gần đây, trở lại bình thường. Điều này vô cùng quan trọng với sự ổn định toàn cầu” – ông nói.

Tuy nhiên chuyên gia này lưu ý rằng “các bên không quá lạc quan về triển vọng tương lai và điều quan trọng là liệu họ có thể xây dựng một mối quan hệ chiến lược lâu dài bằng cách cùng vạch lằn ranh đỏ hay không”.

“Chúng ta có thể nói rằng nhìn chung, Mỹ và Nga có điểm chung, nhưng họ vẫn bất đồng trong các vấn đề cụ thể như vũ khí hạt nhân, Trung Đông, Bắc Cực và cách tiếp cận chính sách với Trung Quốc. Mặc dù, điều quan trọng hiện tại là các bên phải nhất trí đưa đối thoại song phương trở lại đường hướng hợp lý” – ông nói thêm.

Theo ông Nubuo Shimotomai, trong quan hệ giữa Nhật Bản và Nga, gần đây cũng có nhiều bất ổn liên quan đến việc chính phủ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ chức và tác động của đại dịch. Mỹ và Nga cho phép chúng tôi hy vọng sự rõ ràng tích cực hơn sẽ xuất hiện trong các cuộc tiếp xúc giữa Moscow và Tokyo.

Theo TASS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ