Du lịch… rác

GD&TĐ - Cách đây vài hôm, tại Huế, du khách khá ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh các bạn nữ sinh mặc áo dài “rất Huế” đi nhặt rác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mặc áo dài mà đi nhặt rác thì vừa ngồ ngộ lại vừa buồn cười. Nhưng buồn cười hơn cả là cũng ngay trong ngày hôm đó, nhiều người Huế đã thẳng tay ném vàng mã xuống sông Hương! Cùng với đủ các loại rác khác, việc quẳng vàng mã xuống sông thường xuyên vào các ngày rằm, mùng Một hàng tháng đã biến con sông thơ mộng này thành sông rác.

Có vẻ như ở nước ta đã và đang diễn ra cảnh này: Ai xả rác cứ xả, ai dọn mặc kệ ai.

Tại thành phố xinh đẹp Nha Trang, cứ dăm bảy bữa lại thấy mấy anh “Tây ba lô” đi đi lại lại trên bãi biển, tay xách bao tải, tay cầm vật nhọn dài như chiếc roi, hễ gặp chiếc túi ni lông nào trôi nổi là “xiên” một phát. Khi nào túi rác ni lông đầy một xâu, anh chàng hoặc cô nàng lại cho vào bao tải. Đầy bao tải, họ lại tìm nơi tập kết rác để trút lên đó.

Cứ thế, họ đi nhặt rác một cách nhẫn nại, nhiều hôm nhóm người ấy phải phơi đầu trần dưới cái nắng gay gắt. Trên bờ, nhiều nhóm sinh viên học sinh người Việt nhìn họ rồi… mỉm cười, như thể đang chứng kiến một hành động kỳ quặc vậy.

Mà đúng là kỳ quặc thật. Người ở tận đẩu tận đâu lại đến đây nhặt rác, trong khi dân sở tại thì vô tư xả rác. Người ta nói một cách hài hước rằng, sau cụm từ “du lịch bụi” để chỉ những phượt thủ đi trải nghiệm xuyên quốc gia và quốc tế, giờ đến “du lịch… rác”, tức vừa đi chơi vừa xả rác.

Ở đảo Bình Ba ngoài Cam Ranh, sau những lời đồn về phong cảnh hữu tình được chia sẻ trên mạng, dân du lịch từ khắp mọi miền đất nước ùn ùn đổ về hòn đảo này để… trải nghiệm.

Không biết những du khách ấy đã “thu hoạch” được gì sau chuyến đi nhưng dân Bình Ba thì được thêm rác. Rác ở đây đùn lên như núi sau mỗi mùa hè. Những hôm trời trong biển lặng, từ các bè nổi - nơi hình thành các nhà hàng dã chiến, nhìn thấy dưới đáy biển mà kinh vì rác đã “tầng tầng lớp lớp” không cho cá tôm một cơ hội nào để sống sót chứ đừng nói để sinh sản.

Đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi cũng vậy. Kể từ sau khi điện lưới quốc gia kéo ra đảo, những con tàu cao tốc Sa Kỳ - Lý Sơn được tăng chuyến thì hòn đảo này cũng tăng rác theo cấp số nhân.

Cứ tưởng tượng mỗi năm Lý Sơn đón trên 300.000 lượt du khách, mỗi người chỉ cần mang theo hai túi đồ ăn đựng trong bao ni lông thì đủ biết lượng rác mà hòn đảo này phải nhận nhiều đến cỡ nào!

Đi đâu cũng thấy khẩu hiệu xanh - sạch - đẹp tại các khu du lịch nhưng chuyển hóa khẩu hiệu đó vào “máu” của du khách người Việt là điều khó khăn. Du khách ngoại quốc đến Việt Nam để dọn rác do người Việt xả ra là điều có thật nhưng sự xấu hổ của người Việt khi nhìn thấy rác do chính mình xả ra thì hầu như không có.

Một “chiến dịch” dọn rác do Đoàn TNCS HCM phát động đã và đang diễn ra trên khắp đất nước. Hy vọng “chiến dịch” này không chỉ dừng lại sau mỗi lần “ra quân rầm rộ” rồi đâu lại vào đấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ