Sáng ngày 13/4, tại TP. Đồng Hới, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp với Báo Công Thương tổ chức Hội thảo Du lịch Quảng Bình: "Thích ứng mới – Vận hội mới”.
Hội thảo nhằm nhận diện những khó khăn, thách thức và cơ hội của du lịch Quảng Bình trong thời gian tới. Từ đó, gợi mở thêm các giải pháp, kiến nghị để du lịch Quảng Bình thích ứng linh hoạt, hiệu quả, an toàn trong tình hình mới, tận dụng được các cơ hội hậu dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu ngành du lịch đã đặt ra cho năm 2022 và hướng tới phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới. Đây cũng là sự kiện góp phần xúc tiến, quảng bá điểm đến, thu hút khách du lịch đến với “Quảng Bình – Điểm đến an toàn, hấp dẫn, khác biệt”.
Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, quý I/2022, Quảng Bình đã đón khoảng 145.916 lượt khách du lịch, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt hơn 812 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 1&2/2022, lượng khách du lịch đến với Quảng Bình có chiều hướng tăng so với năm 2021, tuy nhiên, do sự tăng nhanh của số ca mắc Covid-19 từ cuối tháng 2/2022 nên lượng khách tháng 3/2022 giảm mạnh.
Dù vậy, với việc Việt Nam là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ tiêm phủ vaccine cao nhất thế giới, và Chính phủ đã cho phép mở cửa hoàn toàn các dịch vụ du lịch, thì đây là thời điểm thích hợp để du lịch Quảng Bình “thức giấc” và phục hồi.
Tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu đón 2 triệu lượt khách trong năm 2022. Trong đó, khách nội địa chiếm 1,99 triệu lượt, khách quốc tế 10.000 lượt; tiếp tục duy trì vị thế thương hiệu du lịch Quảng Bình là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google (Google search, Youtube), các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch (TripAdvisor), tạp chí du lịch; du lịch Quảng Bình được các tạp chí uy tín bình chọn, đánh giá là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam, Phong Nha – Kẻ Bàng tiếp tục là một trong 10 Vườn Quốc gia được yêu thích nhất Châu Á và thế giới.
Cùng ngành du lịch Quảng Bình hiện thực hóa các mục tiêu trên, tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch đã có nhiều gợi mở, góp ý cho du lịch Quảng Bình phục hồi và phát triển bền vững.
Tại hội thảo, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhận định: Quảng Bình cần triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhanh chóng khôi phục và phát triển hoạt động du lịch. Thích ứng với các nhu cầu, xu hướng du lịch mới trong khu vực và trên thế giới trong điều kiện bình thường mới.
Đặc biệt, ông Thủy lưu ý ngành du lịch Quảng Bình cần liên tục đổi mới tư duy, sáng tạo, đổi mới cách làm trong việc tiếp cận thị trường và phát triển sản phẩm du lịch, trong đó có việc đầu tư vào công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực này.
Còn theo đánh giá của PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ Tướng: Trong thời gian qua, Quảng Bình đã thể hiện sự thông minh, quyết đoán trong ứng xử với dịch bệnh, giữ lòng tin đối với người dân và du khách; đặc biệt có cách là rất hay, đó là “đền ơn đáp nghĩa” bằng du lịch khi mời các bác sĩ, nhân viên y tế chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh có chuyến nghỉ dưỡng tại Quảng Bình.
“Muốn đưa ngành du lịch sớm trỗi dậy và khác biệt, Quảng Bình cần phải lôi kéo, thu hút, xây dựng và phát triển lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh, đáp ứng các tiêu chuẩn về tâm, về tầm, tương xứng với nhiệm vụ đặt ra; Xây dựng tuyến liên kết phát triển vùng, qua trục xuyên suốt là du lịch, với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là đối tác chủ lực; Nâng tầm hạ tầng kết nối; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư lớn”, PGS. TS Trần Đình Thiên nêu quan điểm.