Dự kiến thành lập 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao

GD&TĐ - Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đang xúc tiến chủ trương thành lập các trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Các trung tâm này dự kiến tại 3 vùng miền của Việt Nam.

Tiết học thực hành của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.
Tiết học thực hành của Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh.

Xây dựng mô hình kiểu mẫu

Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Điều này dẫn tới sự thay đổi của các chính sách, trong đó có GDNN. Tự động hóa, trí tuệ ảo, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và người máy đang là một phần của cuộc sống và việc làm. Điều này đặt ra bài toán về nội dung, ngành nghề đào tạo trong bối cảnh mới.

Theo ông Bình, việc tái cơ cấu lại các cơ sở GDNN được coi là một trong những thay đổi mang tính đột phá. Điều này góp phần vào thành công của hệ thống GDNN tại các nước phát triển. Dù dưới tên gọi hay hình thức nào, các cơ sở này đều hướng đến việc xây dựng và phát triển hình thành các trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Những trung tâm này đủ năng lực để đào tạo, đánh giá, kiểm định, nâng cao năng lực cho cán bộ và giáo viên, nghiên cứu, chuyển giao chương trình, công nghệ… về GDNN. Điều này góp phần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động trong nước và quốc tế. Đây cũng là mô hình kiểu mẫu dẫn dắt các cơ sở GDNN khác.

Ông Bình cho rằng, ở Việt Nam, việc ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất liên vùng là yêu cầu cấp bách. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN đang xúc tiến chủ trương thành lập trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Dự kiến thực hiện tại 3 miền đất nước.

Chính sách đối với các trung tâm quốc gia và các trường chất lượng gồm tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm điều kiện đào tạo chất lượng cao. Đồng thời, thu hút nhân lực quản lý, nhà giáo với chế độ làm việc, tiền lương đặc thù. Bảo đảm chất lượng đào tạo theo chuẩn. Thu hút người học trình độ cao để đáp ứng chương trình đào tạo....

TS Phạm Vũ Quốc Bình nhận định, việc thành lập và phát triển mô hình trung tâm quốc gia về đào tạo và thực hành chất lượng cao tại Việt Nam là rất cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống GDNN nước ta còn nhiều bất cập. Hơn nữa, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tới thực tại và tương lai việc làm là rất lớn. Vì vậy, việc thành lập và phát triển mô hình này sẽ là một thách thức không nhỏ.

Mô hình 4 lớp về hệ thống đào tạo nghề

Ông Đinh Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục GDNN, cho biết, nhóm nghiên cứu dự kiến xây dựng mô hình với mục tiêu tổ chức mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao. Đồng thời, hình thành 3 trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Theo ông Thành, việc thành lập 3 trung tâm quốc gia này sẽ trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường cao đẳng của Bộ LĐ-TB&XH. Đó là Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ (tại Hà Nội), Trường CĐ Kỹ nghệ Dung Quất (trụ sở tại Quảng Ngãi) và Trường CĐ Kỹ nghệ II (trụ sở tại TPHCM).

Mô hình trung tâm quốc gia này phải là các trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính chất dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở GDNN. Đồng thời, đổi mới công nghệ và kỹ thuật số. Thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế và chuyển giao các chương trình giảng dạy mới.

Trung tâm quốc gia này được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới. Điều này có thể cho phép GDNN trở nên hấp dẫn hơn, đáp ứng, bao trùm và có sự gắn kết.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Đồng thời có 70 trường cao đẳng chất lượng cao. Trong đó, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4. Ba trường tiếp cận các nước phát triển trong G20. Đến năm 2030, hình thành thêm 3 - 5 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 90 trường chất lượng cao...

Chức năng chính của các trung tâm quốc gia và các trường cao đẳng đào tạo chất lượng cao là: Đào tạo các cấp trình độ GDNN. Đào tạo, tổ chức thực hành ngành nghề mới, tương lai, vượt trội. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, quản trị hiện đại, công nghệ mới, phương pháp mới cho nhà giáo trong GDNN. Bổ sung thêm chức năng tổ chức đánh giá kỹ năng quốc gia đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ người lao động. Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật công nghệ nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo hợp tác liên kết. Trong đó có tổ chức đào tạo, tổ chức sản xuất, kinh doanh...

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra mô hình về hệ thống đào tạo nghề. Dự kiến sẽ gồm 4 lớp. Trong đó, khối đào tạo chất lượng cao gồm 3 lớp. Lớp thứ nhất là 3 trung tâm quốc gia trên cơ sở phát triển 3 trường cao đẳng của Bộ

LĐ-TB&XH hiện nay. Lớp thứ hai là các trung tâm vùng, cũng sẽ được phát triển trên các trường chất lượng cao thuộc các địa phương. Lớp thứ ba là các trường cao đẳng chất lượng cao khác. Lớp cuối cùng là trường cao đẳng khác trong hệ thống GDNN của Việt Nam.

“Theo dự kiến của nhóm nghiên cứu, mô hình này cũng như hoạt động sẽ giống như các đại học quốc gia của Việt Nam hiện nay. Như vậy, với chức năng nhiệm vụ mới được giao, dự kiến sẽ cấu trúc lại tổ chức bên trong của các trường này như các phòng chức năng, khoa chuyên môn cho phù hợp” -  ông Đinh Xuân Thành nói.

Về cơ chế điều hành, dự kiến trung tâm quốc gia sẽ là một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời chịu sự quản lý chuyên môn về GDNN và điều phối nguồn lực của Tổng cục GDNN. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.