Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Đề án trong thời gian qua, đồng thời tổng hợp các ý kiến để sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với tình hình mới.
Đáp ứng được các yêu cầu đào tạo
Báo cáo Sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao, bà Khương Thị Nhàn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, phụ trách Ban Quản lý các dự án dạy nghề vốn chương trình mục tiêu quốc gia cho biết: Trong 3 năm đầu triển khai thực hiện, Đề án đã đạt được một số kết quả:
Cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo được đầu tư cho các trường nghề chất lượng cao cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo; công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đã được tăng cường đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tiếp cận với tiêu chuẩn, trình độ thế giới; việc phát triển chương trình, giáo trình và thực hiện thí điểm các chương trình chuyển giao thí điểm nghề đẳng cấp quốc tế đã góp phần thay đổi cấu trúc chương trình đào tạo theo hướng mô-đun tích hợp;
Đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy nghề; trình độ tay nghề của học sinh và sinh viên sau tốt nghiệp đã được nâng lên một cách rõ rệt, thể hiện qua tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc tự tạo việc làm đạt trên 80%…
Bên cạnh đó, Đề án vẫn còn một số vướng mắc, tồn tại như: Chưa ban hành được quy định về đánh giá và công nhận trường nghề chất lượng cao và các hướng dẫn cụ thể về cơ chế, chính sách phát triển trường nghề chất lượng cao.
Việc đánh giá, phân loại về mức độ đạt được các tiêu chí trường chất lượng cao đối với trường nghề được chọn để xây dựng thành trường chất lượng cao vẫn chưa được thực hiện. Công tác đánh giá học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, chất lượng đầu vào của học sinh, sinh viên còn chưa đồng đều, trình độ ngoại ngữ, tin học còn hạn chế…
Đề xuất trường nghề chất lượng cao
Tại Hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đã trình bày báo cáo đề xuất sửa đổi, bổ sung tiêu chí trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2020. Theo đó, hội nghị đã thảo luận và đưa ra định hướng sửa đổi một số nội dung của Đề án cho phù hợp với tình hình mới.
Cụ thể là các đề xuất như: Đẩy mạnh đào tạo theo năng lực thực hiện, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm; trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với trách nhiệm giải trình cho các trường; khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển trường nghề theo tiêu chí trường chất lượng cao...
Phát biểu kết luận hội nghị, TS Nguyễn Hồng Minh, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: Ngay sau khi nhận bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội nghị “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” tại TPHCM, nhằm định hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Đồng thời, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2020 có 70 trường chất lượng cao, trong đó 3 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới, 40 trường tiếp cận trình độ các nước trong top ASEAN-4.
Về quan điểm phát triển trường chất lượng cao đến năm 2020, trường chất lượng cao phải có ít nhất 2 nghề được đào tạo theo chương trình được chuyển giao từ nước ngoài; cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng theo yêu cầu đào tạo; đồng thời, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn của quốc gia được chuyển giao.
Trường chất lượng cao tối thiểu phải đảm bảo diện tích đất đai theo quy định hiện hành, do đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi trong việc bố trí quỹ đất cho các trường nhằm đáp ứng được yêu cầu đào tạo nghề chất lượng cao.