Cấp bách đào tạo nghề chất lượng cao

GD&TĐ - Lợi thế lao động giá rẻ đã không còn đủ sức cạnh tranh đối với thị trường. Do đó, các quốc gia dựa vào lợi thế cạnh tranh là lao động giá rẻ như Việt Nam cần phải phân bổ lại, vì sẽ có tới hàng triệu lao động mất việc khi không còn lợi thế này.

Cấp bách đào tạo nghề  chất lượng cao

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đào tạo nghề chất lượng cao cũng là vấn đề cấp bách một lần nữa được đặt ra.

86% công nhân dệt may có nguy cơ mất việc làm

Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, trong thập niên tới, hơn một nửa số lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á (thuộc khu vực ASEAN) sẽ có nguy cơ mất việc bởi sự xuất hiện của nhiều thiết bị công nghệ cao và robot.

Con số mà nghiên cứu ILO cung cấp là khoảng 137 triệu người, tương đương với 56% lao động tại các quốc gia Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi lực lượng lao động là robot. Trong số đó, có khoảng 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa. Và cũng có tới 64% công nhân Indonesia cùng 88% lao động tại Campuchia sẽ chịu ảnh hưởng này.

Khoảng 86% số công nhân dệt may của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm vì xu hướng tự động hóa. Đối với các ngành cần sử dụng nhiều lao động như dệt may, quần áo và giày dép hiện tại đang cung cấp hơn 9 triệu việc làm cho người lao động khu vực các nước ASEAN, trong đó chủ yếu là các lao động nữ trẻ. Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng, lĩnh vực dệt may của Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều khi TPP có hiệu lực. Tuy nhiên, các nước đang cạnh tranh nhờ lực lượng lao động giá rẻ cần phải định vị lại. Lợi thế giá không đủ để duy trì lâu dài. Công nhân cần được đào tạo để làm việc hiệu quả bên cạnh máy móc điện tử.

Bà Deborah France-Massin, Giám đốc Văn phòng ILO cho các hoạt động sử dụng lao động cho biết: “Các quốc gia cạnh tranh về lao động giá rẻ cần phải xem lại. Lợi thế giá rẻ đã không còn đủ sức cạnh tranh đối với thị trường hiện nay.” Theo bà Deborah France - Massin, các quốc gia cần phải tạo ra một môi trường thuận lợi dẫn đến đầu tư nguồn nhân lực, nghiên cứu lớn hơn và phát triển, sản xuất và có giá trị cao thay vì tập trung vào nguồn nhân công giá rẻ.

Cập nhật kỹ năng và tiếp cận công nghệ mới

Theo nghiên cứu của ILO, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 của Malaysia, 2/5 Thái Lan. Tốc độ tăng năng suất lao động trung bình hằng năm của Việt Nam chỉ đạt từ 3,3 - 5,2%. Còn theo số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân khu vực ASEAN.

Chất lượng lao động Việt Nam đã và đang là vấn đề được đem ra mổ xẻ rất nhiều. Các chuyên gia từng khẳng định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là vô cùng cấp bách để tránh nguy cơ lao động Việt Nam thua ngay trên chính sân nhà. Trong xu thế hiện nay, nguy cơ này đang càng trở nên đáng lo ngại hơn. Theo nhận định, Việt Nam hiện vẫn cần thêm các cơ chế chính sách để thúc đẩy, tạo điều kiện cho việc dạy nghề, đào tạo nghề chất lượng cao.

Với tình hình kinh tế ngày càng được hiện đại hóa, các chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp cần đề cao việc đào tạo kỹ năng cho người lao động để họ luôn sẵn sàng tiếp cận với công nghệ mới và làm việc hiệu quả cùng với hệ thống robot công nghệ cao. Về phía người lao động cần thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, vốn ngoại ngữ cần thiết để có thể thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của môi trường lao động mới và sự phát triển của khoa học công nghệ.

Nghiên cứu của ILO được thực hiện trên 4.000 doanh nghiệp và 2.700 sinh viên, cùng các cuộc phỏng vấn với 330 đơn vị liên quan trong ASEAN. Theo đó, có đến 60% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, sự thay thế của robot là điều tích cực dẫn tới việc tăng doanh số, tăng năng suất lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

 Nga có nhiều cách để trả đũa phương Tây nếu bị tịch thu tài sản.

Đòn đáp trả Mỹ tịch thu tài sản?

GD&TĐ - Biện pháp đáp trả của Nga có thể không so sánh bằng với việc tịch thu tài sản mà phương Tây áp đặt nhưng vẫn có thể gây ra nỗi đau.