Ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Thành cho biết, dự kiến ngày 15/6 tới sẽ tạm đóng cửa khu dinh thự vua Mèo tại thung lũng Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Lý do ông Bảo đưa ra là 2 hai năm nay, chính quyền không đầu tư tu sửa khiến khu dinh thự xuống cấp và chưa xây dựng được quy chế quản lý khu di tích.
“Tại cuộc họp với Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang ngày 21/5, tôi đã thông báo nếu tỉnh không xây dựng quy chế quản lý khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhà họ Vương thì chúng tôi sẽ tự quản lý. Để chuẩn bị cho việc này, con cháu trong gia tộc họ Vương sẽ tạm đóng cửa khu di tích, không tiếp nhận khách tham quan. Khu dinh thự sẽ mở cửa trở lại khi chính quyền và con cháu họ Vương đạt được sự thống nhất về phân chia nguồn lợi từ thu phí tham quan”, ông Vương Duy Bảo khẳng định.
Trước đó, ngày 31/5, Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang đã gửi văn bản đến các ông Vương Duy Bảo và Vương Quỳnh Sèo, là đại diện hậu duệ họ Vương đề nghị nghiên cứu, tham gia xây dựng quy chế quản lý khu dinh thự. Đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang khẳng định, việc xây dựng quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí tham quan di tích sẽ mời đại diện con cháu họ Vương làm việc, bàn bạc cụ thể, thống nhất, sau đó sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hồi đáp công văn của Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang, ngày 5/6, ông Vương Duy Bảo khẳng định đến 15/6 tới, nếu không hoàn thiện quy chế quản lý khu dinh thự họ Vương thì ông sẽ tự quản lý. Ông Bảo cho rằng, sau khi được cấp sổ đỏ khu dinh thự, ông có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt vì những quyền này được pháp luật bảo vệ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, chiều 11/6, ông Vương Duy Bảo cho biết: Đại diện chính quyền tỉnh Hà Giang đã “chốt” lịch làm việc với đại diện gia tộc họ Vương vào ngày 13/6 tới. Tại buổi làm việc này mọi vấn đề kiến nghị liên quan phải được làm rõ. “Giữa gia tộc họ Vương và tỉnh Hà Giang cần thống nhất được 3 vấn đề. Thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước với dinh thự vì đây là di tích quốc gia. Thứ đến là trách nhiệm của dòng họ Vương cùng với Nhà nước trong việc bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích. Cuối cùng là việc phân chia quyền lợi từ bán vé tham quan giữa cơ quan Nhà nước với họ Vương”, ông Bảo nhấn mạnh.
|
Trao đổi với Báo GD&TĐ, Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định, việc gia tộc họ Vương dự kiến đóng cửa toà dinh thự vua Mèo trên cao nguyên đá Đồng Văn không phù hợp với quy định pháp luật. Với bất động sản không phải là di tích thì chủ sở hữu có quyền quyết định tuyệt đối. Nhưng dinh thự vua Mèo là di sản văn hoá do tư nhân sở hữu nên đồng thời bị ràng buộc bởi các quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì vậy, việc mở hay đóng cửa di tích này không hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người sở hữu là con cháu vua Mèo.
Tuy nhiên, luật sư Trương Anh Tú cho biết thêm, việc nộp tất cả phí tham quan di tích vào ngân sách sau khi đã trừ các chi phí khác là chưa phù hợp. Một phần nguồn lợi thu được cần được chia cho hậu duệ vua Mèo. Con cháu vua Mèo cũng phải biết rằng những lần tu sửa di tích trước đây do Nhà nước chi tiền. Vì vậy, các bên đều cần có thiện chí mới giải quyết hài hoà được câu chuyện.
Giám đốc Công ty Du lịch Hà Giang Lâm Đình Luân cho biết: Trên vùng cao nguyên đá này, ngoài phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước chính là cuộc sống, văn hóa của người Mông. Trong đó, dinh thự vua Mèo là một di tích mang tính biểu tượng không thể thiếu trong tour du lịch trải nghiệm Đồng Văn.
“Nếu đóng cửa dinh thự vua Mèo thì Hà Giang còn gì để hấp dẫn du khách? Đó là chưa kể đến hàng loạt các công ty du lịch trên địa bàn đã kín tour đến tháng 10, tháng 11/2019 mà địa điểm bắt buộc phải có trong tour là dinh vua Mèo. Chúng tôi hoàn toàn bị động và đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại nếu phải bồi thường tour cho khách. Mong sao gia tộc họ Vương và tỉnh Hà Giang đạt được thỏa thuận để điều ấy không xảy ra”, anh Lâm Đình Luân lo lắng.