Dự kiến 5 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường

Dự kiến 5 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường

Xăng dầu (Xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn): Đây là các sản phẩm có chứa một số chất hoá học như chì, lưu huỳnh,...  ngay cả khi chưa sử dụng.cácchất chứa trong các loại xăng dầu đã phát thải ra môi trường và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Xăng dầu có phạm vi sử dụng rộng rãi, với lượng lớn đến 15 triệu tấn/năm, nên nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng diễn ra trên diện rộng.

Dự kiến 5 nhóm hàng hóa chịu thuế môi trường ảnh 1
Xăng, dầu là các sản phẩm có chứa một số chất hoá học như chì, lưu huỳnh...  gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Việc đưa các sản phẩm xăng dầu vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Các nước trong Liên minh Châu Âu đang đánh thuế đối với nhiên liệu (Xăng 0,42 Euro/lít, dầu Diesel 0,30 Euro/lít); Singapore: 0,4 đôla Singapore/lít xăng; Nhật Bản: 32,1 Yên Nhật/lít xăng.

Than: Khi than được sử dụng cho mục đích đốt cháy sẽ thải ra môi trường các loại khí như CO2, SO2 đều là các khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ con người. Phạm vi sử dụng than cũng rộng khắp và với khối lượng gần 30 triệu tấn/năm. Việc đưa than vào đối tượng chịu thuế cũng nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hoá thạch, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Nhiều nước như Trung Quốc thu từ 8 đến 37 Nhân dân Tệ/tấn tùy theo hàm lượng lưu huỳnh trong than; Philipine thu ở mức 10 Pê sô/1 tấn.

Môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (Dung dịch HCFC): Chất HCFC được sử dụng trong một số lĩnh vực công nghiệp như: Làm lạnh, điều hoà không khí,... Sự phát thải chất HCFC vào khí quyển, làm ô nhiễm bầu không khí, là nguyên nhân chính làm suy giảm tầng ôzôn và gây hiệu ứng nhà kính. Nước ta đã tham gia ký kết Nghị định thư Montreal về hạn chế sử dụng các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Theo đó, các nước đang phát triển (trong đó có nước ta) sẽ phải loại trừ hoàn toàn việc sử dụng HCFC vào năm 2030. Mức tăng trưởng của ngành công nghiệp làm lạnh và điều hoà không khí với lượng tiêu thụ các chất HCFC tăng nhanh liên tục sẽ đặt ra nhiều thách thức cho tiến trình loại trừ HCFC ở nước ta. Việc đưa chất HCFC vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần vào việc thực hiện cam kết Nghị định thư Montreal ở Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp giảm dần sử dụng HCFC bằng việc chuyển đổi công nghệ sản xuất. 

Túi nhựa xốp (túi ni lông): Túi nhựa xốp phải trải qua thời gian rất lâu để phân hủy, có thể tới hàng trăm năm hoặc không thể tự phân hủy được. Túi nhựa xốp thải bỏ sau khi sử dụng sẽ tích tụ trong đất, suy thoái môi trường đất. Khi bị phân hủy thì còn sinh ra các chất làm đất bị trơ, không giữ được độ ẩm và dinh dưỡng cho cây trồng. Việc sử dụng và xả thải túi nhựa xốp sau khi sử dụng diễn ra khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn và gây ô nhiễm môi trường lớn, trên diện rộng.

Việc đưa túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng túi nhựa xốp, khuyến khích sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện hơn với môi trường.

Hiện nay, có nhiều nước trên thế giới đã thu thuế đối với các sản phẩm nhựa (túi nhựa xốp, bát nhựa, chai nhựa,…) như: Anh, Ailen, Đài Loan,... Một số nước khác cấm sử dụng sản phẩm túi nhựa trong các thành phố lớn như Bắc Kinh (Trung Quốc).

Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng: Đây là những hợp chất độc có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc tổng hợp từ các chất hóa học được dùng để phòng trừ dịch hại trên cây trồng và bảo quản nông sản. Hiện nay, việc sử dụng đúng cách, đúng liều lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được quan tâm do giá của nhiều loại còn tượng đối rẻ so với giá nông sản. Những hành vi sử dụng không đúng cách, không đúng liều lượng hóa chất bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng tới môi trường theo rất nhiều cách, ví dụ như các hoá chất lơ lửng trong không khí khi phun thuốc hay tồn tại trong các loại thực phẩm, trong nước, đất,... Việc đưa hoá chất bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng vào đối tượng chịu thuế nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng, khuyến khích họ thay đổi thói quen sử dụng lạm dụng, giảm thiểu những tác hại xấu của hoá chất bảo vệ thực vật đối với môi trường. Hiện nay, một số nước như Đan Mạch, Bỉ cũng áp dụng thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm hoá chất bảo vệ thực vật. Trong quá trình lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, các luật gia,... có một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm nhiều đối tượng chịu thuế như các sản phẩm gây ô nhiễm khác (Máy tính, điện thoại di động, lốp xe, ắc quy, các loại hoá chất tẩy rửa, a xít, phân bón, thuốc lá), sản xuất chế biến thực phẩm sản xuất xi măng...

Anh Thư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ