Nhật Bản: Số lượng du học sinh giảm mạnh vì hạn chế nhập cảnh

GD&TĐ - Số lượng sinh viên quốc tế tại Nhật Bản đã giảm mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Nhật Bản: Số lượng du học sinh giảm mạnh vì hạn chế nhập cảnh

Một số sinh viên quốc tế từng tràn trề hy vọng đăng ký các khóa học ở Nhật Bản thậm chí đã thay đổi điểm đến học tập vì những hạn chế đầu vào nghiêm ngặt.

Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong G7 có quy định hạn chế hầu hết sinh viên nước ngoài nhập cảnh khi tình hình lây nhiễm Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Mặc dù cần phải giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, nhưng động thái cứng rắn của Nhật Bản đã gây ra những lo lắng về quá trình quốc tế hoá cũng như khả năng tuyển dụng nguồn nhân lực nước ngoài tại quốc gia này.

Một cuộc khảo sát của Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản cho thấy số lượng du học sinh mới nhập cảnh vào Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay đã giảm khoảng 90% so với thời kỳ trước đại dịch vào nửa đầu năm 2019.

Theo dữ liệu, 7.078 sinh viên quốc tế mới nhập cảnh vào Nhật Bản trong nửa đầu năm 2021, chỉ chiếm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019 khi có đến 61.520 sinh viên nhập cảnh. 

“Tôi vẫn muốn học ở Nhật Bản. Nhưng tôi không biết khi nào có thể nhập cảnh, và tôi không thể tiếp tục lãng phí thời gian quý báu chỉ để chờ đợi”, Joana Gubau, 22 tuổi đến từ Tây Ban Nha, cho biết. Joana đã chọn du học Hàn Quốc thay vì Nhật Bản vì những hạn chế đầu vào. Cô đã theo học tiếng Hàn tại một trường đại học ở Hàn Quốc từ tháng Sáu.

Năm 2008, chính phủ công bố kế hoạch tăng gấp đôi số lượng sinh viên nước ngoài lên hơn 300.000 người vào năm 2020. Đến tháng 5 năm 2019, con số này đã đạt mức cao kỷ lục, vượt quá 310.000 người.

Vào tháng 5 năm nay, các sinh viên mới do chính phủ tài trợ đã được phép nhập cảnh trở lại đất nước này, nhưng các hạn chế đối với sinh viên do tư nhân tài trợ, chiếm 95% tổng số, vẫn tiếp tục.

Kỳ thi tuyển sinh đại học Nhật Bản dành cho du học sinh được tổ chức vào tháng 6 và tháng 11 hàng năm nhằm kiểm tra năng lực tiếng Nhật và các kỹ năng học tập cơ bản của du học sinh.

Số lượng sinh viên nước ngoài tham gia kỳ thi đạt mức cao kỷ lục khoảng 60.000 vào năm 2019, nhưng kỳ thi vào tháng 6 đã bị hủy bỏ vào năm sau do đại dịch, điều này đã đẩy số lượng người dự thi xuống còn 20.000. Số học sinh dự thi vào tháng 6 năm nay nằm trong khoảng 10.000 người.

Hiệp hội Giáo dục Sinh viên Quốc tế Nhật Bản, một tổ chức bao gồm các trường đại học và các tổ chức khác, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp vào ngày 9 tháng 9, đã kêu gọi nỗ lực để sinh viên có thể nhập cảnh vào Nhật Bản. Hiệp hội nêu ra những lo ngại khi các trường đại học nước ngoài có thể xem xét lại mối quan hệ của họ với các trường đại học Nhật Bản do thiếu thốn chương trình trao đổi và cả việc đóng cửa các trung tâm trung gian ở nước ngoài.

Giáo sư Đại học Osaka Sachihiko Kondo, người đứng đầu Hiệp hội, lo ngại rằng “Nhật Bản đang đánh mất sự tín nhiệm của sinh viên quốc tế, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút các cá nhân tài năng của đất nước”.

Tại Đại học Châu Á Thái Bình Dương Ritsumeikan, nơi sinh viên nước ngoài đến từ khoảng 90 quốc gia chiếm một nửa, khoảng 600 sinh viên quốc tế hiện đang tham gia các lớp học trực tuyến trong thời gian chờ nhập cảnh. Chỉ có vỏn vẹn sáu sinh viên quốc tế có thể đến Nhật Bản trong năm học này.

Đại học Quốc tế Akita cũng đã dừng các chương trình trao đổi với 200 trường đại học đối tác tại 50 quốc gia và khu vực kể từ tháng 4 vừa qua.

Mặt khác, số lượng sinh viên du học Nhật Bản đã tăng lên kể từ mùa hè. Các quốc gia thuộc nhóm G7 khác ngoài Nhật Bản đã và đang tiếp nhận sinh viên nước ngoài bằng các biện pháp ngăn chặn lây nhiễm hiệu quả.

Vào tháng 6, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu các trường đại học kiểm tra tình hình lây nhiễm và hệ thống y tế tại các quốc gia đến du học trước khi nối lại chương trình trao đổi một năm cho sinh viên Nhật Bản.

Theo JapanNews

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử giúp tăng vị thế

GD&TĐ - Ở lần bầu cử Tổng thống Nga năm nay, cả trong lẫn ngoài nước Nga đều dự đoán và tin chắc rằng Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin sẽ lại đắc cử.
Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.