Bê bối gian lận tuyển sinh đại học ở Mỹ: Bộ Giáo dục điều tra sơ bộ 8 trường liên quan

GD&TĐ - Bộ GD Mỹ đã mở một cuộc điều tra sơ bộ các tổ chức GD ĐH có tên trong danh sách của Bộ Tư pháp về các vụ gian lận tuyển sinh. Cụ thể, 8 trường ĐH, bao gồm: Georgetown, Stanford, UCLA, San Diego, Nam California, Texas tại Austin, Wake Forest và Yale - đã nhận được thư thông báo về cuộc điều tra và yêu cầu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi liên quan.

Ca sĩ William Rick (giữa), kẻ chủ mưu vụ bê bối gian lận tuyển sinh ĐH đang gây rúng động nước Mỹ cũng như khắp thế giới.
Ca sĩ William Rick (giữa), kẻ chủ mưu vụ bê bối gian lận tuyển sinh ĐH đang gây rúng động nước Mỹ cũng như khắp thế giới.

“Nỗi ô nhục”

Các câu hỏi bao gồm tên của những nhân viên bị buộc tội, các SV có tên trong danh sách gian lận, tất cả hồ sơ và chính sách tuyển sinh kể từ năm 2009 của từng trường.

Thư thông báo của Bộ GD nêu rõ: “Cuộc điều tra sơ bộ này sẽ kiểm tra xem có bằng chứng nào về việc vi phạm luật pháp, hoặc các quy định điều chỉnh những chương trình hỗ trợ tài chính cho SV của Liên bang hay không”.

Trong một phát biểu vào tuần trước, bà Betsy DeVos, Bộ trưởng GD Mỹ, đã gọi những hành động bị cáo buộc của cha mẹ các SV gian lận, trong đó một số người được cho là đã trả hơn 1 triệu đô la để đảm bảo con mình trúng tuyển, là “nỗi ô nhục”.

“Mọi SV đều xứng đáng được xem xét về giá trị cá nhân của họ khi nộp đơn vào ĐH. Thật đáng xấu hổ khi thấy bất kỳ ai vi phạm luật để cho con cái họ có lợi thế hơn những người khác” - bà DeVos nói: “Bộ GD đang xem xét kỹ vấn đề này và làm việc để xác định xem có bất kỳ quy định nào của chúng tôi đã bị vi phạm hay không”.

Vụ bê bối gian lận tuyển sinh ở một số trường ĐH hàng đầu nước Mỹ, được tiết lộ trong nhiều bản cáo trạng công bố hồi đầu tháng này, đã gợi lại những cuộc đối thoại về sự công bằng và tiếp cận với GD ĐH, nơi khả năng thanh toán, trình độ ứng viên và các kết nối khác từ lâu đã đóng vai trò quyết định trong việc tiếp nhận hay không những ứng viên đăng ký.

Bộ GD cho biết, sẽ điều tra các tiêu chuẩn chống phân biệt đối xử đối với các trường học, giám sát các tổ chức công nhận các trường CĐ và ĐH, cũng như quy định điều kiện và quy tắc cho các chương trình hỗ trợ tài chính do Liên bang tài trợ.

Các trường nằm trong danh sách bị điều tra có 30 ngày để gửi phản hồi theo yêu cầu của Bộ GD.

Bê bối gian lận tuyển sinh đại học ở Mỹ: Bộ Giáo dục điều tra sơ bộ 8 trường liên quan ảnh 1
  • Ông Lelling để ngỏ khả năng quy mô và những bên liên quan tới vụ bê bối còn lớn hơn những gì đã được công bố.

Chỉ là phần nổi của tảng băng?

Vụ bê bối là một lời nhắc nhở khắc nghiệt rằng, các gia đình thượng lưu có thể gian lận để đạt được đặc quyền thậm chí ở mức không thể tưởng tượng nổi. Một số người nói rằng vụ bê bối này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Các công tố viên Liên bang đã buộc tội 50 người, trong đó có 33 phụ huynh giàu có và nổi tiếng, vì đã thực hiện một kế hoạch gian lận trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn, hoặc hối lộ huấn luyện viên (HLV) thể thao ĐH - những người sau đó đã giúp các SV tương lai được nhận vào trường bằng cách tuyên bố dối trá rằng đó là những tài năng thể thao, ngay cả khi ứng viên chưa từng chơi môn thể thao được đề cập.

Nữ diễn viên Lori Loughlin và Felicity Huffman, hai ngôi sao của Hollywood, nằm trong số hàng chục phụ huynh phải đối mặt với cáo buộc Liên bang. Những người khác bị buộc tội bao gồm 9 HLV thể thao tại các trường ĐH tên tuổi; hai quản trị viên SAT/ACT (các bài kiểm tra yêu cầu đầu vào của nhiều trường ĐH tại Mỹ); một giám thị coi thi; một quản trị viên ĐH; một giám đốc điều hành đã thừa nhận “giúp đỡ” những gia đình giàu có đưa con cái họ vào các trường ĐH ưu tú.

Đường dây gian lận hoạt động dưới sự điều khiển của ca sĩ William Rick, Giám đốc điều hành Công ty The Key, hoạt động trong lĩnh vực xúc tiến tuyển sinh ĐH. Ông này đã nhận tội với 4 cáo buộc trước tòa án vào hôm 26/3, thừa nhận rằng những điều mà công tố viên đưa ra là “có thật”.

Gian dối có hệ thống

Theo công tố viên Liên bang, luật sư Andrew Lelling, người đã công bố cáo trạng về vụ bê bối tại cuộc họp báo gây rúng động thế giới hôm 12/3, cơ bản có hai loại gian lận mà ông Rick cung cấp cho các “khách hàng”.

Cụ thể: “Một là để gian lận trong bài thi SAT hoặc ACT; hai là sử dụng các mối liên hệ của ông ta với các HLV và sử dụng tiền hối lộ để đưa con cái của các bậc cha mẹ giàu có này đến trường, với những thành tích thể thao giả mạo”.

Cả 8 trường bị nêu tên trong danh sách vụ bê bối đều khẳng định hợp tác với cơ quan điều tra và cũng tự triển khai rà soát các nhân viên, SV của mình để tìm ra những kẻ gian lận. Còn theo Luật sư Lelling, tất cả chỉ là khởi đầu, cuộc điều tra vẫn tiếp diễn với nhiều tình tiết mới. “Chúng tôi nghi ngờ quy mô vụ việc và số lượng người liên quan còn lớn hơn thế. Chúng tôi sẽ tiến lên phía trước để tìm kiếm các mục tiêu bổ sung trong thời gian tới”, ông Lelling tuyên bố. 

Luật sư Lelling kết luận, đây là cách gian lận kiểm tra tiêu chuẩn rất rõ ràng và có chủ đích. Cáo buộc của các công tố viên cũng chỉ ra một số phụ huynh đã trả từ 15.000 - 75.000 đô la cho mỗi bài kiểm tra, để giúp con cái họ đạt điểm cao hơn so với thực tế.

Ông Rick đã sắp xếp cho một bên thứ ba - thường là một nhân vật có tên Mark Riddell - để thực hiện bài kiểm tra bí mật ở vị trí của ứng viên, hoặc thay thế câu trả lời của họ bằng câu trả lời của mình.

Với cách thức gian lận về thành tích thể thao để nhận được điểm ưu tiên vào ĐH, có đổi khác một chút so với gian lận trong các bài thi. Mặc dù các HLV không quyết định rõ ràng ai được chấp nhận vào trường, nhưng họ có quyền đưa ra khuyến nghị và có tiếng nói quan trọng về việc nên tuyển dụng ứng cử viên nào sáng giá về thể thao.

Kể từ khi thông tin vụ bê bối được tiết lộ vào 12/3, các bậc cha mẹ trên khắp nước Mỹ đã bày tỏ sự phẫn nộ vì các gia đình giàu có đã lừa dối để đưa con cái vào các trường ĐH ưu tú - đồng nghĩa với việc tước đoạt vị trí vốn dành cho những đứa trẻ kém đặc quyền nhưng lại chăm chỉ và xứng đáng hơn.

Một nhóm phụ huynh và SV ĐH bị từ chối từ các trường đã đệ đơn kiện lên tòa án Liên bang để đòi lại sự công bằng, nói rằng họ sẽ không lãng phí thời gian và tiền của, khi biết rõ quy trình tuyển sinh đã bị bẻ cong do gian lận.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.