"Ở Harvard, người thầy có vị trí thấp nhất trong lớp học"

ĐH Harvard (Mỹ) quy tụ rất nhiều giáo sư xuất sắc trên thế giới nhưng trên giảng đường, sinh viên mới là trung tâm. Còn người thầy, họ có vị trí thấp nhất trong lớp học.

"Ở Harvard, người thầy có vị trí thấp nhất trong lớp học"

Cái tên Harvard là sự mê hoặc đối với bất cứ học sinh nào trên thế giới, bởi sự khác biệt của mỗi giảng viên, sinh viên, cũng như môi trường học tập.

Trong buổi tọa đàm Harvard đã dạy và không dạy bạn những gì?, được tổ chức tại ĐH Fulright, TP.HCM, chiều 20/12, nhiều cựu sinh viên Harvard chia sẻ điều đặc biệt của ngôi trường này.

Nhiệm vụ của giảng viên là nâng tầm người học

Một số cựu sinh viên trường đại học đẳng cấp hàng đầu thế giới cho rằng xét về cách thiết kế không gian giảng đường, người thầy đứng ở vị trí thấp nhất trong lớp học ở Harvard. Điều đó cũng phần nào trùng hợp cách đào tạo nhân tài ở đây.

Chị Doãn Hoàng Lan, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Harvard, cho biết giảng viên ở trường rất giỏi nhưng không phải vì họ am tường mọi thứ. Họ đặc biệt vì biết khơi gợi tiềm năng người học.

Mỗi người có trình độ, tư duy và hoàn cảnh khác nhau nhưng các giáo sư luôn khơi gợi và tôn trọng suy nghĩ, quan điểm của sinh viên. Người học luôn cảm thấy mình đã góp một phần vào câu trả lời cho mỗi vấn đề giảng viên đặt ra.

Hơn nữa, các giáo sư luôn khích lệ bản lĩnh, sự thông minh, chính kiến của người học. Vì vậy, sinh viên có thể đứng trước 100 người tài giỏi khác trình bày suy nghĩ của mình một cách rất tự tin.

Ở Harvard, người học là trung tâm, giảng viên có nhiệm vụ nâng tầm cho người học chứ không phải đứng trên cao truyền đạt kiến thức.

“Giáo sư sẽ không nói cho bạn phải nghĩ như thế nào. Ông cũng không thường đưa ra ý kiến. Sinh viên không chỉ học từ thầy mà học từ 100 bạn khác. Họ sẽ cho thấy có rất nhiều cách để nhìn nhận một vấn đề. Bạn phải là người đưa ra kết luận của chính mình", chị Lan nói.

Nữ thạc sĩ chia sẻ chị có cơ hội giao lưu với nhiều người. Mỗi người có quan điểm riêng, nên phải học cách tôn trọng cách nhìn nhận của người khác và bảo vệ quan điểm của mình.

Tuy nhiên, các giáo sư ở Harvard không chỉ đứng nhìn sinh viên thảo luận. Anh Trương Phạm Hoài Chung, thạc sĩ Giáo dục, ĐH Harvard, thông tin trước khi lên lớp, các giáo sư đã chuẩn bị rất kỹ. Họ yêu cầu sinh viên đọc cả 100 trang sách và đưa ra những vấn đề cần giải quyết.

"Tôi học được ở Harvard không có điều gì tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai, khoa học không chỉ là phép tính. Một vấn đề có nhiều cách tiếp cận. Nếu muốn khẳng định mình đúng, anh hãy ra ngoài xã hội thực hiện và chứng minh nó. Đó có lẽ là cách giảng dạy, cũng có thể là điều mà những người thầy mong muốn ở học viên của mình", anh Chung phân tích.

Mỗi người có một Harvard cho riêng mình

Trong suy nghĩ của nhiều người, học "tháp ngà" Harvard đồng nghĩa đối mặt áp lực phải xuất chúng. Điều đó có lẽ đúng nhưng cũng có thể sai, tùy vào bạn là ai và muốn gì.

Cũng như các trường đại học hàng đầu khác, điểm số của sinh viên Harvad được bảo mật, ra trường với tấm bằng tốt nghiệp không thể hiện thứ hạng. Sinh viên thường không áp lực về điểm số nhưng họ thường đau đầu vì cảm thấy mình biết quá ít.

Anh Hoài Chung thừa nhận bản thân không thấy áp lực khi ở Harvard nhưng vẫn thường xuyên thức đến hơn 4h sáng để học, không phải để hoàn thành chỉ tiêu bài vở, mà vì có quá nhiều thứ hay ho để tiếp cận.

Ngược lại, chị Lê Quỳnh Trâm, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Chính sách công của Harvard, chia sẻ giai đoạn đầu nhập học, chị hoài nghi chính mình.

"Quanh mình, ai cũng rất "ngầu". 100 người thì có đến 90 đến từ 90 nước khác nhau. Có người đảm nhiệm vai trò quan trọng của các tổ chức lớn trên thế giới. Ai cũng mang đến đấy những khao khát lớn và đi tìm câu trả lời. Lúc đó, mình hoài nghi người xét duyệt mình vào đây có ngủ gật không?", chị Trâm kể.

Trải qua quá trình học tập, chị Trâm thẳng thắn nêu quan điểm học ở những trường có thứ hạng, danh tiếng thấp hơn ĐH Harvard, vẫn có thể thu nạp kiến thức như ở đây. Điều đặc biệt Harvad cho sinh viên là cơ hội lắng nghe và đồng hành cùng những con người xuất sắc.

Tương tự, anh Trương Phạm Hoài Chung tâm sự khi sang Mỹ, chàng trai này muốn tìm hiểu mô hình giáo dục tối ưu. Học ở trường đại học nổi tiếng thế giới, anh mới phát hiện trong giáo dục sẽ không có mô hình chung tối ưu.

"Mọi người có biết logo của ĐH Harvard là Veritas, nghĩa là sự thật. Nó là tôn chỉ giáo dục đỉnh cao, mỗi người học phải đi tìm sự thật của riêng mình", anh Hoài Chung nói.

Các diễn giả đều đồng ý rằng chỉ cần mỗi người biết mình là ai và muốn gì thì nếu không là Harvard, bạn cũng xuất chúng ở một nơi khác. Đó là "Harvard" của mỗi người.

ĐH Harvard thành lập năm 1636, là viện đại học nghiên cứu tư thục, thành viên của Liên đoàn Ivy, ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ. Với lịch sử, tầm ảnh hưởng và tài sản khổng lồ, Harvard trở thành một trong những đại học danh tiếng nhất thế giới.

8 tổng thống Mỹ từng là sinh viên của trường. Đến nay, 150 sinh viên, giảng viên và nhân viên Harvard được trao giải Nobel.

Harvard đứng thứ hai trong danh sách những trường đào tạo nhiều tỷ phú nhất, do hãng nghiên cứu tài sản Wealth - X và Ngân hàng UBS bình chọn.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.