Du học sinh Nhật trồng thành công loại ớt đắt nhất thế giới

GD&TĐ -Kết thúc chương trình du học ở Nhật, anh Lê Sỹ Tân (40 tuổi, ở Hà Tĩnh) trở về quê quyết tâm làm giàu từ việc trồng ớt đắt nhất thế giới.

Anh Lê Sỹ Tân.
Anh Lê Sỹ Tân.

Quyết tâm chinh phục “giống lạ”

Khoảng giữa năm 2017, khi đang là du học sinh tại Nhật Bản, trong một lần tình cờ, anh Lê Sỹ Tân (SN 1982, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) được người quen giới thiệu về loại ớt Aji Charaoita (hay còn gọi là ớt Peru, loại cây thường được trồng ở vùng núi hoang sơ đất nước này).

Theo anh Tân, ở nước ngoài, ớt Aji Charapita (có tên khoa học là Capsicum thuộc họ Solanaceae) được xem như một gia vị quý, có vị cay hàm lượng vitamin C cao gấp nhiều lần so với ớt thông thường. Ớt Aji Charapita được đánh giá cao vì mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa và giảm lão hóa hiệu quả.

Trước đây, loại cây này mọc dại ở những khu vực rừng phía Bắc Peru, sau này được người dân phát hiện đem về trồng và bán rộng rãi ra thị trường. Vì có nhiều tinh chất có lợi cho sức khỏe nên tại một số quốc gia trên thế giới, giá ớt Aji Charapita khô được bán với giá lên tới 1.000 USD/kg. Thậm chí, có thời điểm giá bán chạm mốc 1.700 USD/kg. Và đây cũng là loại ớt được mệnh danh là “đắt nhất thế giới”.

Nhận thấy được tiềm năng kinh tế mà loại cây này có thể mang lại khi ở thị trường Việt Nam còn chưa xuất hiện nhiều, anh Tân đã nung nấu ý định làm giàu khi trở về quê hương. Năm 2018, sau khi kết thúc chương trình du học tại Nhật Bản trở về địa phương, anh Tân bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu cách trồng giống ớt “kỳ lạ” này.

Để thực hiện ý tưởng của mình, anh đã bàn bạc với anh Trương Văn Thủy (trú tại xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà) cải tạo lại vườn keo, chung tay đầu tư 500 triệu đồng xây dựng trang trại rộng hơn 1ha tại thôn Quý Linh, xã Thạch Xuân để ươm trồng ớt Aji Charaoita.

Thời gian đầu ớt phát triển tốt, sau 8 tháng trồng cây ra hoa và đậu quả nhiều khiến anh Tân rất phấn khởi. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang” khi thời gian sau đó, vườn ớt chết hoàn toàn mà không rõ lý do. Nhiều lần xuống lại giống nhưng tình trạng ớt chết vẫn tiếp diễn. Sau 2 năm thực hiện, dự án trồng ớt trên thiệt hại hơn 200 triệu đồng.

“Ròng rã 2 năm ớt chết liên tục, nhiều lúc tôi cũng chán nản, gia đình và bạn bè đã khuyên tôi chuyển hướng đầu tư sang các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với quan niệm “ngã đâu, đứng dậy ở đó”, tôi không dễ dàng từ bỏ giấc mơ mà mình ấp ủ. Ngoài tìm hiểu các thông tin trên mạng, tôi đã đi tham khảo thêm ở một số vườn ớt được trồng thành công ở Việt Nam để học hỏi thêm kinh nghiệm”, anh Tân nhớ lại.

Quá trình tìm hiểu, anh Tân nhận ra, nguyên nhân ớt chết không phải do sâu bệnh, khí hậu hay thổ nhưỡng mà cơ bản ở kỹ thuật trồng và chăm sóc.

“Đây là loài cây không khó trồng, ít bệnh tật và mang lại lợi ích kinh tế cao. Tuy nhiên, nó không ưa nước, rất dễ chết hàng loạt khi xảy ra ngập úng. Mỗi khi trời mưa phải tìm cách cho nước không được đọng lại ở gốc cây. Đặc biệt, phải trồng cách biệt với bên ngoài để tránh bị thoái hóa giống.

Giai đoạn cây 8 tháng tuổi trở đi sẽ cần nhiều chất dinh dưỡng hơn để ra hoa và đậu quả, thời điểm này mình cần phải bón nhiều phân hữu cơ cho cây. Nếu thiếu chất, cây sẽ dần rụng lá và chết đi”, anh Tân chia sẻ.

Ớt Aji Charapita có quả tròn, khi chín, trái chuyển màu vàng cam.

Ớt Aji Charapita có quả tròn, khi chín, trái chuyển màu vàng cam.

“Vị ngọt” từ ớt cay

Biết được nguyên nhân và cách khắc phục, anh Tân mạnh dạn xuống giống thêm lần nữa. Và kết quả đã không phụ lòng mong đợi, cuối năm 2021, vườn ớt của anh đã bắt đầu cho thu nhập.

Không những thế, thời gian qua, trang trại ớt đã tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi lần thu hoạch, anh Tân còn thuê thêm 4 - 5 lao động thời vụ.

Anh Tân tính toán, nếu chăm sóc tốt, 1 cây có thể cho năng suất đạt 4 - 5kg quả/năm. Đây còn là loại ớt có thể cho quả 4 mùa nên nếu biết chăm bón đúng cách cây sẽ cho năng suất cao. Thông thường sau 3 tháng tuổi cây sẽ cho trái. Ớt Aji Charapita có tuổi thọ lên đến 10 năm, vì loại ớt này khá nhỏ nên cũng mất rất nhiều thời gian và công sức để thu hoạch.

Sau khi thu hoạch, anh Tân sẽ đóng gói và nhập hàng đến các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… với giá bán là 1 triệu đồng/kg, còn đối với người dân trong tỉnh, anh bán với giá 700.000 đồng/kg. Trừ đi tất cả các chi phí, anh thu về trên 300 triệu đồng/năm.

“Ở nước ngoài, ớt Aji Charapita như một gia vị xa xỉ, tôi bán cho bà con rẻ hơn giá thị trường vì muốn người dân ta ai cũng được thưởng thức loại ớt quý hiếm này. Nếu bán đắt thì họ không có tiền mua”, anh Tân lý giải.

Hiện tại, anh Tân đang ươm khoảng 7.000 cây con trong vườn lưới. Dự kiến vào dịp Tết số cây này sẽ cho thu hoạch. Ngoài sản phẩm chính là quả ớt, anh Tân còn bán cây giống cho bà con có nhu cầu muốn trồng thử. Giá bán của cây con hiện dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/cây tùy kích thước.

Ông Nguyễn Huy Hà – Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân - cho biết, ớt Aji Charapita trong trang trại của anh Lê Sỹ Tân là loại cây trồng mới tại địa phương.

So với các loài cây nông nghiệp truyền thống, loại ớt anh Tân trồng cho thu nhập cao hơn hàng chục lần. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mô hình trồng ớt trên cũng tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ