Du học sinh Ấn Độ về nước khó tìm việc làm

GD&TĐ - Công ty quản lý giáo dục M Square Media cảnh báo sinh viên Ấn Độ từng học tập ở nước ngoài có nguy cơ thất nghiệp sau khi trở về nước.

Sinh viên Ấn Độ cần trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Sinh viên Ấn Độ cần trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Do đó, du học sinh cần trau dồi kỹ năng trong quá trình học để nâng cao cơ hội tuyển dụng.

Theo quan điểm thông thường, sinh viên du học trở về nước thường được nhận những công việc chất lượng cao hơn so với sinh viên học trong nước. Quan điểm này cũng khá phổ biến ở Ấn Độ, nơi ngày càng nhiều phụ huynh cho con du học để tìm đường đến với thành công.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Công ty giáo dục M Square Media (MSM), Canada, chỉ ra tìm việc làm sau khi trở về nước có thể là thách thức với du học sinh Ấn Độ. Số liệu của Bộ Giáo dục Ấn Độ cho thấy hơn 750.000 người Ấn Độ ra nước ngoài học tập vào năm 2022, tăng 68% so với năm 2021.

MSM đã trích dẫn báo cáo của chính phủ cho thấy chỉ 22% du học sinh Ấn Độ tìm được công việc tốt sau khi về nước từ năm 2015 đến 2019.

Ông Sanjay Laul, Giám đốc điều hành và sáng lập MSM, lưu ý rằng sinh viên “phải nhận thức được những thách thức tiềm ẩn có thể gặp phải khi trở về nước”. Là thành phần của giáo dục quốc tế, MSM có trách nhiệm hướng dẫn và hỗ trợ du học sinh để họ sớm đạt được thành công trên hành trình của mình.

Theo MSM phân tích, tình trạng trên diễn ra tại Ấn Độ vì nước này thiếu các hành động công nhận bằng cấp và chứng chỉ nước ngoài trong thị trường việc làm quốc gia. Hơn nữa, nhiều nhà tuyển dụng Ấn Độ có xu hướng ưu tiên ứng viên có bằng cấp tại Ấn Độ hơn là du học sinh.

Bên cạnh đó, trong dịch Covid-19, ngày càng nhiều doanh nghiệp tuyển dụng ứng viên địa phương vì lệnh hạn chế đi lại và những lo ngại về sức khoẻ cộng đồng.

Sau dịch Covid-19, do nền kinh tế xáo trộn, các công ty phải cắt giảm quy mô và tuyển dụng. Nhiều nơi khó đáp ứng được nhu cầu hoặc thỏa thuận lương với ứng viên có bằng cấp nước ngoài.

Do đó, các bên liên quan kêu gọi du học sinh thực tập hoặc làm thêm bán thời gian trong quá trình học để nâng cao kỹ năng, tăng cơ hội được tuyển dụng.

Đồng thời, sinh viên có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn nghề nghiệp, chương trình cố vấn hoặc mạng lưới cựu sinh viên để xây dựng liên kết việc làm.

“Khi những sinh viên này trở về nước với kinh nghiệm dày dặn, các em sẽ tìm được những cơ hội việc làm tốt, chất lượng và có ý nghĩa tại Ấn Độ”, ông Adarsh Khandelwal, Giám đốc điều hành công ty dịch vụ giáo dục Collegify chia sẻ.

Ông Adarsh cũng lưu ý, du học sinh có thể ứng tuyển vào các công ty tư nhân tại Ấn Độ vì họ đánh giá cao sự đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc và du học sinh có thể mang lại giá trị này.

Còn nếu muốn tìm việc làm trong các cơ quan chính phủ, sinh viên nên du học tại các cơ sở giáo dục được đánh giá và công nhận bởi các tổ chức kiểm định uy tín tại Ấn Độ.

Theo The Pie

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.