Du học mùa dịch

GD&TĐ - Mới đây, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điều kiện trúng tuyển năm 2021 theo phương thức xét tuyển tài năng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đáng chú ý, với hình thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, thí sinh phải đạt từ 1520/1600 điểm SAT, đồng thời SAT Toán đạt 770/800 mới có thể trúng tuyển ngành Khoa học máy tính (IT1), Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chương trình tiên tiến (IT-E10) của trường.

Mức trúng tuyển nhà trường công bố có điểm SAT khá cao, tương đương mức nhiều học sinh trúng tuyển và giành học bổng đại học ở Mỹ đạt được, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Một đại học Việt Nam có chất lượng tuyển sinh đầu vào “cân” với các đại học tên tuổi của Mỹ, là điều quá tự hào. Nhưng, cũng phải đến lúc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng phương thức xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, mọi người mới thấy rõ điều đó, cho dù trước đây trường luôn có điểm chuẩn cao hàng đầu cả nước với xét điểm thi THPT.

Không chỉ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trong khoảng vài năm trở lại đây khá nhiều đại học Việt Nam, quan tâm phát triển phương thức tuyển sinh có tính chất hướng tới hội nhập. Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã dành chỉ tiêu tuyển thẳng những học sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc học chương trình quốc tế. Trường ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM), ĐH Tôn Đức Thắng… cũng xây dựng phương thức tuyển sinh theo thông lệ quốc tế, song song với các phương thức tuyển sinh truyền thống.

Tuy chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế chỉ khoảng 1 - 5%  tổng chỉ tiêu mỗi trường, nhưng đây là những con số cực kỳ ý nghĩa. Không chỉ thể hiện sự đa dạng phương thức tuyển sinh theo tự chủ đại học, việc mở kênh tuyển sinh chứng chỉ quốc tế, học sinh tốt nghiệp THPT quốc tế còn là sự chủ động của các trường trong hội nhập.

Dòng thí sinh có chuẩn ngoại ngữ đầu vào là tiền đề để các trường phát triển chương trình tài năng, tiên tiến, chất lượng cao dạy bằng tiếng Anh, làm đòn bẩy đột phá cho việc nâng cao chất lượng. ThS Nguyễn Tuấn Kiệt, Phó phòng Đào tạo Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết năm nay là năm thứ 3 trường dành chỉ tiêu xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT trong và ngoài nước, có chứng chỉ SAT, ACT, IB, A-level... Những thí sinh trúng tuyển theo phương thức này có nền tảng tiếng Anh rất tốt vì vậy học nhẹ nhàng. Các em cũng khá năng động, thích nghi rất nhanh, kỳ vọng chuẩn đầu ra cao.

Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh học chương trình THPT nước ngoài hoặc có kế họach du học buộc phải thay đổi lựa chọn. Việc các trường đại học bổ sung phương thức tuyển sinh xét các chứng chỉ quốc tế, vì thế càng ý nghĩa.

Thu hút dòng thí sinh dự kiến du học, giúp các em không bị gián đoạn việc học, tổ chức đào tạo chất lượng, xây dựng chính sách học chuyển tiếp dễ dàng, việc này không chỉ thể hiện tinh thần nhân văn mà còn là cơ hội để các trường khẳng định uy tín, thương hiệu. Từ mùa Covid năm ngoái, tuyển sinh đại học đã ghi nhận không ít học sinh dự kiến du học chọn vào đại học Việt Nam với phương thức tuyển sinh hội nhập. Năm nay, nhiều trường cho biết số hồ sơ theo phương thức xét tuyển này có tăng…

Mở rộng phương thức tuyển sinh hội nhập để đón học sinh học chương trình THPT nước ngoài hoặc có kế họach du học trong mùa Covid, chúng ta đã thành công bước đầu. Nếu cùng với đón mà giữ được thành công, đại học Việt Nam không chỉ khẳng định mạnh mẽ hơn chất lượng đào tạo, khả năng hội nhập quốc tế mà còn góp phần giữ được ngoại tệ cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.