Bà Quách Thị Mỹ Ngọc - chuyên viên tư vấn cấp cao Trung tâm Tư vấn giáo dục Mỹ (EducationUSA), thuộc Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM - cho biết: “Khi chọn trường, bạn nên cẩn trọng với các bảng xếp hạng bởi chính phủ Mỹ không xếp hạng các trường ĐH. Các thứ hạng này hầu hết do các công ty tư nhân, tạp chí… bầu chọn. Do đó, chỉ xem bảng xếp hạng là một kênh tham khảo”.
“Hãy thận trọng!”
Đó là lời khuyên của Ellen Hazelkorn, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Công nghệ Dublin (Ireland), tác giả quyển sách Rankings and the Battle for World-Class Excellence: How rankings are reshaping higher education (tạm dịch: Bảng xếp hạng và cuộc đấu tranh cho chất lượng cao trong giáo dục: Bảng xếp hạng đang định hình lại giáo dục ĐH như thế nào).
Theo tác giả, xếp hạng các trường ĐH không phải là một thước đo chuẩn mực, dù nó mang lại cho người sử dụng cái nhìn tổng quan và toàn diện hơn về trường học và ngành học.
Đáng chú ý, sau hơn 1 năm được công bố, bảng đánh giá các ĐH theo bậc từ 1 đến 5 sao + có tính phí của Công ty Giáo dục Anh Quacquarelli Symonds (QS) đã bị giới chuyên gia phản ứng vào đầu năm 2013.
Dù QS đưa ra các tiêu chí rõ ràng cho bảng đánh giá nhưng báo The New York Time dẫn chứng: ĐH Limerick ở Ireland nằm trong bảng xếp hạng này nhưng không xuất hiện trong 2 bảng xếp hạng quốc tế có uy tín là 400 ĐH hàng đầu thế giới của báo Times Higher Education (Anh) và 500 ĐH hàng đầu thế giới của ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Tuy nhiên, trong nhiều tổ chức xếp hạng ĐH thì 2 tổ chức xếp hạng ĐH này được đánh giá là có uy tín nhất trên thế giới. Theo TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐH Quốc gia TP HCM, cách xếp hạng của 2 tổ chức này chủ yếu dựa vào đánh giá học thuật của ĐH chứ không chỉ đánh giá vào cơ sở vật chất như các tổ chức xếp hạng khác.
Do đó, chỉ những trường nào có cơ hội lọt vào bảng xếp hạng này mới thấy đáng tự hào.
Phải chọn trường được kiểm định
Thận trọng, không đáng tin… vào các bảng xếp hạng, bà Quách Thị Mỹ Ngọc tư vấn: Trước khi nộp đơn vào một trường ĐH tại Mỹ, bạn cần phải xác định trong gần 4.000 trường thì trường nào phù hợp với mình nhất; 1 năm gia đình có thể trả bao nhiêu ngoài học phí như tiền ăn ở, đi lại, bảo hiểm y tế, sách vở…
Quan trọng hơn, khi muốn nộp đơn vào trường nào, bạn phải xem trực tiếp trên trang web của trường đó bởi đây là nơi thông tin được cập nhật và đầy đủ nhất.
Tuy nhiên, bạn sẽ xem gì trong trang web của trường? Bước đầu tiên và quan trọng nhất để quyết định chất lượng và tính hợp pháp của một trường ĐH là kiểm tra xem trường học đó có được kiểm định và công nhận chất lượng hay không.
Kế đến là vị trí trường ở đâu, học phí bao nhiêu, có học bổng hay nguồn hỗ trợ tài chính nào cho sinh viên quốc tế, điều kiện đầu vào là gì, chương trình đào tạo dạy những gì, cơ sở vật chất của trường thế nào, tổng số sinh viên bao nhiêu, bao nhiêu sinh viên quốc tế…
“Nếu chọn trường chưa được kiểm định, chẳng may có sự cố xảy ra, bạn muốn học tiếp cũng không được trường ĐH nào nhận, bằng cấp cũng không được công nhận hoặc nếu muốn học sau ĐH cũng không được chấp nhận” - bà Ngọc cho biết.
Sau khi kiểm tra thông tin trên trang web của trường, bạn cần tham khảo thêm trên trang web của Bộ Giáo dục Mỹ (USDE, www.ope.ed.gov) và trang web của Hội đồng Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH (CHEA, www.chea.org) để kiểm tra một lần nữa cho chắc chắn. Hai website này giải thích rõ ràng kiểm định chất lượng trường học là gì và cho phép bạn kiểm tra tình trạng của trường mà mình muốn theo học.
Xếp hạng của Webometrics không có giá trị
Rất nhiều trường ĐH được xếp hạng bởi Webometrics nhưng đây chỉ là xếp hạng website của các cơ sở giáo dục ĐH trên toàn thế giới, không phải là xếp hạng ĐH. Theo TS Vũ Thị Phương Anh thì không có giá trị gì về xếp hạng của Webometrics cả!
Cũng vậy, bảng xếp hạng của QS hiện không còn giá trị bằng trước đây do QS đã từng hợp tác với báo Times Higher Education để xếp hạng ĐH. Tuy nhiên, từ năm 2010, báo Times Higher Education đã ngưng hợp tác với QS và tạo ra phương pháp đánh giá mới, với sự hợp tác của Thomson Reuters.