Du hành vũ trụ: Từ giả tưởng đến hiện thực

GD&TĐ - Những câu chuyện giả tưởng về không gian đã truyền cảm hứng cho nhân loại qua nhiều thời đại, biến ước mơ du hành vũ trụ trở thành hiện thực.

Phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Phi hành gia Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.

Nếu không có ước mơ, sẽ không có chương trình vũ trụ. Và nếu không có những thành tựu về khoa học, công nghệ, con người sẽ vẫn chỉ “ăn cơm dưới đất, nói chuyện trên trời”.

Từ ước mơ

Từ thời xa xưa, con người đã mơ ước được đến các vì sao trong vũ trụ bao la, qua các tác phẩm viết bằng tiếng Phạn cổ có niên đại vào năm 300 kể về những cỗ máy bay trong thần thoại, còn được gọi là Vimanas, được các vị thần sử dụng để đi thăm các thiên đường ở trên cao.

Trong văn tự cổ Vymanka - Shastra (một trong những khoa học nghiên cứu về các thiết bị bay), có một mô tả về Vimana như sau: “Một thiết bị bay có thể di chuyển không cần cung cấp năng lượng từ bên ngoài, nó có thể bay từ nơi này đến nơi khác hoặc từ thế giới này đến thế giới khác”.

Năm 170, Lucian của Samosata, một nhà văn châm biếm người Syria đã viết quyển A True Story (Một câu chuyện thực), bằng ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại, mô tả những khái niệm du hành vũ trụ, thú lai, người đột biến, người máy, thuộc địa của các hành tinh khác, dạng sự sống ngoài hành tinh, bầu khí quyển nhân tạo và chiến tranh giữa các thiên hà.

Tất cả những điều này hoàn toàn xa lạ trong thời đại của ông. Thời điểm này chưa có kính thiên văn quan sát hành tinh, ý tưởng về du hành vũ trụ và người ngoài hành tinh thậm chí còn chưa hình thành.

Nhiều nhà sử học xem cuốn tiểu thuyết này là tác phẩm khoa học viễn tưởng đầu tiên, mặc dù phải đến năm 1818, qua tác phẩm Frankenstein của Mary Shelley, thể loại này mới thực sự phát triển.

Ngay sau đó, nhiều câu chuyện thám hiểm vũ trụ hoặc xâm chiếm không gian bắt đầu xuất hiện, từ tiểu thuyết War of the Worlds (Thế giới đại chiến) của HG Wells năm 1898, đến loạt tác phẩm về đế chế thiên hà, Foundation của Isaac Asimov năm 1942. Tuy nhiên, trên thực tế, việc du hành lên các vì sao vẫn chỉ là tưởng tượng.

Đến hiện thực

Tranh vẽ thiết bị Vimana bay trên bầu trời (trong Bảo tàng Nghệ thuật San Diego).

Tranh vẽ thiết bị Vimana bay trên bầu trời (trong Bảo tàng Nghệ thuật San Diego).

Sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, cả Mỹ và Liên Xô đều tin rằng, sự an toàn trong tương lai của quốc gia họ phụ thuộc nhiều vào ưu thế công nghệ về vũ khí hạt nhân và du hành vũ trụ nên đã khởi động “cuộc đua không gian”. Tổ hợp công nghiệp quân sự và các nhà khoa học của họ luôn bị ám ảnh về hành trình bay vào thế giới bao la chưa từng được biết tới.

Trước sự thất vọng của Mỹ, Liên Xô đã đạt được điều đó khi họ phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik vào không gian ngày 4/10/1957. Sau đó, Liên Xô lại tiếp tục ghi một cột mốc quan trọng khác vào ngày 12/4/1961, khi thành công trong việc đưa con người đầu tiên vào không gian, đó là nhà du hành vũ trụ 27 tuổi, Yuri Alekseyevich Gagarin.

Đáp lại, Tổng thống John F. Kennedy đã phát biểu trước công chúng Mỹ: “Đất nước cam kết đạt được mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn, trước khi kết thúc thập niên này”. Ông đã ăn mừng chuyến du hành đầu tiên của người Mỹ vào vũ trụ do Alan B. Shepard thực hiện vào ngày 5/5/1961.

Nhưng đáng tiếc là Kennedy không được chứng kiến ​​nước Mỹ đã “chiến thắng” trong cuộc đua không gian, sau khi Neil Armstrong, người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên Mặt trăng vào tháng 7/1969 và trở về Trái đất an toàn trong sứ mệnh Apollo 11.

Trong những năm sau đó, NASA tiếp tục thực hiện các phi vụ Apollo lên Mặt trăng nhưng sự ủng hộ về mặt chính trị và sự quan tâm của công chúng đối với chương trình này cuối cùng đã suy giảm. Apollo 17 là sứ mệnh hạ cánh lên Mặt trăng sau cùng của NASA và con người cuối cùng đặt chân lên Mặt trăng là phi hành gia Eugene Cernan, vào năm 1972.

Thay vào đó, NASA đã dành vài thập niên tiếp theo tập trung vào các sứ mệnh        Voyager không người lái đến Hệ Mặt trời xa hơn; gửi xe tự hành lên sao Hỏa và thực hiện các thí nghiệm trên Trạm không gian quốc tế ISS.

Tư nhân vào cuộc

Tháng 4/2021, NASA thông báo cơ quan này sẽ quay trở lại Mặt trăng với sự phối hợp của Space X (chương trình Artemis mới), mà theo họ sẽ là “một bước quan trọng đưa nhân loại vào con đường khám phá Mặt trăng bền vững, đồng thời hướng đến các sứ mệnh xa hơn trong Hệ Mặt trời, bao gồm cả sao Hỏa”.

Khi việc hỗ trợ tài chính của chính phủ cho việc thăm dò không gian đã không còn sẵn sàng như trước, một số công ty tư nhân đã đầu tư và thiết kế thế hệ tàu vũ trụ tiếp theo. 2015 là một năm quan trọng đối với lĩnh vực du hành không gian, khi Công ty Blue Origin của Jeff Bezos và Space X của Elon Musk đều thành công trong việc phóng và thu hồi các tên lửa có thể tái sử dụng, một phát minh được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể chi phí bay vũ trụ trong tương lai.

Trong vòng 10 ngày, lần lượt tỷ phú Richard Branson, nhà sáng lập Virgin Galactic và Jeff Bezos, CEO của Blue Origin đã trải nghiệm cảm giác ngắm nhìn Trái đất từ không gian qua cửa sổ tàu vũ trụ của họ. Những chuyến du hành này đã mở ra một ngành du lịch hoàn toàn mới, đó là du lịch không gian.

Tại sân bay vũ trụ của Virgin Galactic ở New Mexico (Mỹ) vào lúc 10 giờ 40 phút sáng 11/7, máy bay VMS Eve đã cất cánh mang theo tàu vũ trụ VSS Unity, đưa Richard    Branson và 5 người khác lên rìa vũ trụ. Tỷ phú Branson và phi hành đoàn đã rơi vào trạng thái không trọng lực và nhìn xuống Trái đất từ độ cao 86 km trong vài phút.

Sau đó, vào lúc 13 giờ (giờ GMT) ngày 20/7, trên phi thuyền Blue Origin được phóng lên bằng tên lửa đẩy New Shepard, tỷ phú Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, cùng 3 phi hành gia khá đặc biệt thực hiện chuyến bay 11 phút vào không gian.

Còn Elon Musk dự kiến sẽ bay lên rìa vũ trụ trong thời gian tới, nhưng ông sẽ thực hiện điều này trên khoang tàu VSS Unity của người bạn Richard Branson.

Theo Historydaily

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.