Du hành thời gian: Từ thần thoại cổ đến khoa học hiện đại

GD&TĐ - Du hành thời gian và cỗ máy thời gian từng là chủ đề của tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và điện ảnh trong nhiều thập niên.

Nhà khoa học Pellegrino Ernetti và cỗ máy Chronovisor được cho là có thể nhìn về quá khứ.
Nhà khoa học Pellegrino Ernetti và cỗ máy Chronovisor được cho là có thể nhìn về quá khứ.

Trên thực tế, du hành vào tương lai hoặc trở về quá khứ đã hấp dẫn trí tưởng tượng của nhân loại trong nhiều thế kỷ.

Trong khi nhiều người cho rằng, đây là chuyện huyễn hoặc thì cũng có một số nhà khoa học lỗi lạc đã bỏ công nghiên cứu để xem khả năng này có trở thành hiện thực hay không.

Trong thần thoại cổ

Trong các văn bản cổ, có thể tìm thấy một số câu chuyện ám chỉ về du hành thời gian. Theo thần thoại Hindu, vua Raivata Kakudmi đã đến gặp đấng tạo hóa Brahma trong một chuyến đi ngắn ngủi, nhưng khi ông quay trở về Trái đất, thì 108 yuga đã trôi qua (theo truyền thuyết, mỗi yuga tiêu biểu cho khoảng 4 triệu năm).

Lời giải thích mà Brahma đưa ra cho Kakudmi là, thời gian diễn ra khác nhau trong các mặt phẳng tồn tại khác nhau.

Trong Kinh Qur’an có đề cập câu chuyện về một nhóm thanh niên Cơ đốc giáo vào năm 250 Công nguyên đã tìm cách thoát khỏi tình trạng bị ngược đãi và hành hạ.

Được sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, họ đến một hang động và bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Khi họ thức dậy thì đã 309 năm trôi qua. Điều này trùng hợp với câu chuyện của đạo Cơ đốc về Bảy người ngủ, với những khác biệt không đáng kể.

Một câu chuyện khác bắt nguồn từ truyền thuyết Nhật Bản về Urashima Taro, một người được cho là đã đến thăm cung điện dưới nước của Long thần Ryujin.

Ông ta ở đó ba ngày, nhưng khi trở lại mặt đất, thì thời gian đã trôi qua đến 300 năm. Ngoài ra, còn rất nhiều tài liệu khác ám chỉ về du hành thời gian được tìm thấy trong thần thoại cổ đại.

Du hành xuyên thời gian là có thể?
Du hành xuyên thời gian là có thể? 

Những thí nghiệm gây tranh cãi

Việt Nam cũng có câu chuyện cổ tích liên quan đến “du hành thời gian” thú vị. Theo truyền thuyết, Từ Thức sống trong thời đại nhà Trần, làm chức quan nhỏ ở một địa hạt thuộc xứ Kinh Bắc. Do thích đi đây, đi đó, xem phong cảnh đẹp và làm thơ nên một ngày nọ, ông xin từ quan để thỏa chí ngao du… Một hôm, Từ Thức lạc vào một hang động mà không biết mình đến được cõi tiên. Kết hôn với tiên nữ và sống an nhàn khoảng một năm, Từ Thức nhớ quê nên xin vợ cho về thăm nhà vài bữa… Không ngờ về đến quê thì phong cảnh khác xưa, chẳng ai còn nhớ đến mình. Ông đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời: “Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất tích đến nay đã hơn 80 năm”… 

Có lẽ câu chuyện về du hành thời gian thời hiện đại được biết nhiều nhất là thí nghiệm Philadelphia của Mỹ diễn ra vào năm 1943, nhằm che giấu một con tàu, biến nó vô hình trước radar của đối phương.

Tuy nhiên, thí nghiệm được cho là có sai sót, con tàu không chỉ biến mất hoàn toàn khỏi Philadelphia trong phút chốc, mà còn dịch chuyển đến Norfolk, cách đó 479 km.

Khi con tàu xuất hiện trở lại, một số thành viên thủy thủ đoàn dường như bị rối loạn tâm thần, một số biến mất hoàn toàn, số khác kể lại tường tận đã du hành vào tương lai và quay trở lại…

Năm 1960, có một báo cáo về trường hợp khá thú vị của nhà khoa học Pellegrino Ernetti, người tuyên bố đã phát triển Chronivisor, một cỗ máy cho phép mọi người nhìn thấy quá khứ. Lý thuyết của ông là bất cứ điều gì xảy ra đều để lại dấu ấn năng lượng không bao giờ có thể bị phá hủy.

Ernetti được cho là đã phát triển cỗ máy này để có thể phát hiện, phóng đại và chuyển đổi năng lượng thành một hình ảnh, giống như một chiếc TV chiếu lại những gì đã xảy ra trong quá khứ.

Mặc dù, cỗ máy này đã gây ra khá nhiều sự quan tâm và tranh cãi, nhưng không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Chronovisor từng tồn tại.

Vào những năm 1980, có nhiều báo cáo về một thí nghiệm du hành thời gian gây tranh cãi khác mang tên Montauk. Đây được cho là một chuỗi các dự án bí mật của chính phủ Mỹ nhằm phát triển công nghệ cao phục vụ chiến tranh, bao gồm cả việc du hành thời gian.

Liệu thí nghiệm Philadelphia và Montauk có thực sự diễn ra hay không vẫn còn đang được tranh luận. Tuy nhiên, người ta cho rằng, quân đội chắc chắn đã quan tâm đến khả năng du hành thời gian và sẽ tham gia nghiên cứu sâu rộng về chủ đề này.

Năm 2004, Marlin Pohlman, một nhà khoa học, kỹ sư và thành viên của Mensa (cộng đồng gồm những người có IQ cao nhất thế giới) đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho phương pháp làm biến dạng trọng lực và dịch chuyển thời gian.

Vào năm 2013, Wasfi Alshdaifat đã xin cấp bằng sáng chế cho một máy nén không gian và giãn nở thời gian, có thể được sử dụng để du hành vào tương lai và trở về quá khứ. Nhưng thực tế về sáng chế của họ không được tiết lộ.

Vào năm 2006, Giáo sư Vật lý Ronald Lawrence Mallett của Đại học Connecticut sau khi nghiên cứu đã cho rằng, việc du hành thời gian là hoàn toàn có thể diễn ra trong thế kỷ của chúng ta. Nhà vật lý Brian Cox, được trích dẫn trong một bài báo năm 2013 trên tờ HuffPost, đồng ý rằng du hành thời gian là có thể nhưng chỉ theo một hướng.

Trong khi đó, Ali Razeqi, Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát minh Chiến lược Iran, tuyên bố trên tờ Daily Mail rằng, đã phát triển một thiết bị có thể nhìn thấy tương lai ở mọi nơi, cách hiện tại từ 3 đến 5 năm. Nhưng sau đó, câu chuyện của ông ta đã biến mất khỏi Internet chỉ vài giờ sau khi nó xuất hiện.

Theo các nhà khoa học, về lý thuyết, việc du hành thời gian là hoàn toàn có thể. Các nghiên cứu được trích dẫn trên có đưa đến gần hơn với triển vọng biến du hành thời gian thành hiện thực không? Nếu có, chúng ta chỉ hy vọng công nghệ này không lọt vào tay kẻ xấu.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ