Dự đoán và chỉ đạo của Bác Hồ đánh thắng B.52

Dự đoán và chỉ đạo của Bác Hồ đánh thắng B.52

(GD&TĐ) - Trong khi cả nước đã và đang tích cực chuẩn bị kỉ niệm 40 năm chiến thắng B.52 của đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, chúng ta tưởng nhớ Bác Hồ và luôn khắc sâu những tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Người, nhất là sự chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng, cơ sở vật chất và lực lượng, phương tiện để chiến thắng B.52. Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch phòng không đánh bại cuộc tập kích đường không chủ yếu bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12.1972 có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh. Thắng lợi ấy thuộc về toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhưng trước hết là sự chỉ đạo sáng suốt tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chỉ đạo chiến lược, nhận định và dự báo sớm việc nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng lực lượng, con người, trang bị vũ khí đánh thắng B.52 của đế quốc Mỹ.

Ngày 21.2.1957, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị thông qua kế hoạch xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng. Người khẳng định chủ trương xây dựng một quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại. Trong đó, lực lượng phòng không nhân dân mạnh mẽ và phát triển rộng khắp. Kết luận hội nghị, Người nhấn mạnh yêu cầu lập “kế hoạch phòng không nhân dân” và chỉ rõ phải chuẩn bị nhiều cán bộ đi học sẵn cho không quân. Sau đó, Người còn chỉ đạo cho Bộ Tổng tham mưu chọn người đi học, chuẩn bị khung cán bộ cho các binh chủng, quân chủng vừa mới thành lập, trong đó có bộ đội cao xạ, tên lửa, ra đa…

Đêm 27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân Hà Nội bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). (ảnh: internet)
Đêm 27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân Hà Nội bắn hạ và rơi xuống hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội). (ảnh: internet)

Những ngày đầu khi Quân đội ta thành lập được Quân chủng Phòng không -không quân (PK-KQ), việc xây dựng và phát triển lực lượng, bố trí thế trận bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc là những vấn đề lớn và khó, nhưng đây là những tiền đề cơ bản đầu tiên thể hiện tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị nghiên cứu, rút kinh nghiệm và đánh máy bay B.52 khi địch thực hiện âm mưu thủ đoạn tiến hành đánh phá các khu vực trọng điểm của ta ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa sau này. 

Năm 1964, đế quốc Mỹ liều lĩnh cho không quân đánh phá một số mục tiêu ven biển của ta từ Quảng Bình đến Quảng Ninh, quân và dân miền Bắc đã đánh những đòn phủ đầu và giành thắng lợi lớn. Năm 1965, đế quốc Mỹ tiếp tục tăng quân vào miền Nam tiến hành “chiến tranh cục bộ” và bắt đầu sử dụng máy bay ném bom chiến lược B.52 trên chiến trường. Trong một lần đến thăm đơn vị phòng không Hà Nội, Bác lại dặn “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền. Dù chúng có B.57, B.52 hay “B” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” (1).

Thực hiện lời dạy của Bác, Quân chủng PK-KQ đã tập trung mọi nỗ lực phát triển lực lượng nhanh chóng, tập trung chỉ đạo nghiên cứu nghệ thuật tác chiến đánh bại từng bước leo thang của địch trong chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng chưa có điều kiện tổ chức nghiên cứu đánh B.52. Năm 1966, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ cùng với một số đại diện lên chúc thọ Bác. Sau khi nghe báo cáo thành tích chiến đấu, Bác dặn: các chú đã đánh được B.66 là tốt, nhưng nó là máy bay trinh sát. Còn B.52 là máy bay ném bom lợi hại, các chú phải chuẩn bị đánh B.52. Để đánh được B.52 của đế quốc Mỹ, việc trước tiên là phải tìm hiểu tính năng kĩ - chiến thuật, đặc điểm và quy luật hoạt động của nó, trên cơ sở đó tìm ra cách đánh phù hợp. Với mục đích đó, tháng 5 năm 1966, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị Quân chủng PK-KQ cho Trung đoàn Tên lửa 238 cơ động vào Vĩnh Linh  (Quảng Trị) nghiên cứu cách đánh B.52. Từ đó, chúng ta luôn duy trì một lực lượng ở chiến trường để đánh B.52 với phương châm vừa đánh địch vừa nghiên cứu địch…

Năm 1967, không quân địch tổ chức nhiều đợt đánh phá tập trung tại Hà Nội, Hải Phòng, bộ đội PK-KQ đã đánh nhiều trận thắng lợi lớn. Đặc biệt, ngày 19.5.1967, ngày sinh nhật Bác Hồ, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi 13 máy bay địch. Khi Quân chủng PK-KQ cử đoàn cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu lên chúc mừng sinh nhật Bác, Bác vui vẻ nói: Bác mừng và hoan nghênh các chú đánh giỏi. Nhưng chớ chủ quan mà khinh địch, nó thua keo này nó bày keo khác. Nó còn đánh và nhất thiết ta phải chuẩn bị đánh B.52. Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, Bác lại dặn: “Sớm muộn rồi đế quốc Mĩ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mĩ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mĩ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(2). 

Dự báo đó của Người đã thấy rõ trong 12 ngày đêm tiến hành đánh phá, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn “siêu pháo đài bay” gồm 740 lần chiếc B.52, hơn một ngàn lần chiếc máy bay chiến thuật, đánh tập trung, ồ ạt, liên tục, quyết liệt, trút hàng ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và vùng lân cận, quyết tâm “đưa nước ta trở về thời kì đồ đá”. Kết quả là, trong chiến dịnh 12 ngày đêm, ta đã bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay chiến lược B.52 trong tổng số 200 máy bay B.52 của Mĩ, bằng 17%. Ngoài ra, ta còn tiêu diệt 5 máy bay F111, 24 máy bay phản lực của hải quân, 3 máy bay trinh sát và 1 máy bay lên thẳng. Có đêm ta tiêu diệt 18 máy bay địch, trong đó có 08 chiếc “pháo đài bay B.52”.

Trận đại thắng B52 trên bầu trời thủ đô Hà Nội cuối năm 1972 là một trong những chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Chiến thắng này là kết quả của sức mạnh tổng hợp từ ý chí quyết tâm đến cách đánh thông minh sáng tạo; từ đoàn kết dân tộc đến sức mạnh ủng hộ quốc tế trong sáng; trên hết và trước hết là sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính, có đường lối kháng chiến đúng đắn, khoa học, mà hạt nhân của nó là tư tưởng chiến tranh nhân dân toàn dân toàn diện, dựa vào sức mình là chính của chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Trong cuộc chiến đấu ngoan cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đặc biệt là trong chiến dịch phòng không chống cuộc tập kích đường không bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, trước hết đó là một cuộc đấu trí, có sự tỉnh táo, tính toán từ trước, dự báo từ trước của Hồ Chí Minh, tư tưởng chiến tranh nhân dân đã ăn sâu bám rễ vào trong nhân dân, thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm cao độ, tạo thành sức mạnh to lớn và giành thắng lợi vẻ vang. Chủ động tích cực đánh địch, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược B.52 của chúng và triệt để phòng tránh, sơ tán làm giảm hiệu quả đánh phá của địch xuống mức thấp nhất. Công tác phòng tránh, sơ tán được quân và dân ta thực hiện một cách chủ động và triệt để bao trùm các mặt: tổ chức vận động nhân dân sơ tán ra khỏi các trọng điểm đánh phá; chỉ đạo củng cố và xây dựng hầm hố trú ẩn; tổ chức tốt hệ thống thông tin, thông báo, quan sát báo động; triển khai các phương án khắc phục hậu quả…

Thất bại này của Mỹ không chỉ đơn thuần là thất bại quân sự, mà là thất bại chiến lược toàn diện cả về quân sự lẫn chính trị. Cùng với những thắng lợi giành được trước đó, đặc biệt là trong cuộc tiến công chiến lược 1972 ở miền nam, thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải kí Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền nam Việt Nam.

Đây là thắng lợi của sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; tài thao lược của Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng trong quá trình thực hiện phương hướng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã chỉ ra: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do chuẩn bị từ nhiều năm trước, cho nên chúng ta đã không bị bất ngờ khi phải đối phó với cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ vào thủ đô Hà Nội và Hải Phòng và các vùng lân cận.

Ngoài việc chuẩn bị về vật chất, công tác chuẩn bị về yếu tố chính trị tinh thần nhân dân và bộ đội cũng được tiến hành hết sức khẩn trương, coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm nền tảng, đã phát huy mạnh mẽ, cao độ nhân tố con người - nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của cuộc đọ sức thần kì trong “12 ngày đêm Hà Nội”. 

Nhờ phán đoán đúng âm mưu của địch, hạ quyết tâm kịp thời và chính xác, triển khai công tác chuẩn bị một cách đồng bộ, quân và dân ta đã giành được thế chủ động ngay từ đầu và duy trì nó trong suốt quá trình chiến dịch diễn ra. Cách đánh cơ bản của không quân địch trong cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng là lấy B52 làm lực lượng chủ yếu, với sự hộ tống của không quân chiến thuật và không quân của hải quân. B52 tập trung đánh vào ban đêm, còn không quân chiến thuật làm nhiệm vụ gây nhiễu, chế áp các lực lượng phòng không và không quân của ta; đồng thời đánh xen kẽ giữa các đợt của B52 để duy trì cường độ đánh phá liên tục 24/24 giờ. 

Để bảo đảm chắc thắng và giành thế chủ động ngay từ trận đầu, công tác nghiên cứu khoa học, bảo đảm vật chất, kĩ thuật cũng được các lực lượng vũ trang ta chuẩn bị công phu với nỗ lực rất lớn. Cho đến trước ngày 18-12-1972, ngày đế quốc Mỹ mở đầu cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng, chỉ riêng ở Hà Nội ta đã xây dựng được 30 trận địa cho tên lửa, hơn 100 trận địa cho cao xạ các loại; mỗi tiểu đoàn tên lửa đều có hơn hai cơ số đạn; hệ số kĩ thuật của tên lửa bảo đảm 100%, của pháo phòng không là 95% và của ra-đa là 96,5%.

Ta đã tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch, bao gồm: ba sư đoàn phòng không: 361, 363, 375; 23 tiểu đoàn tên lửa; 13 trung đoàn cao xạ; bốn trung đoàn không quân; bốn trung đoàn ra-đa; ba trung đoàn, hai tiểu đoàn phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra còn có 346 đội (1.428 khẩu pháo) phòng không của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận chiến dịch vững chắc, hiểm hóc tại các địa bàn trọng yếu ở trong và các vùng lân cận Hà Nội, Hải Phòng.

Cũng trong chiến dịch này, ta đã xây dựng được một thế trận phòng không ba thứ quân vững chắc và duy trì được sự phối hợp hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng. Bên cạnh các lực lượng phòng không chủ lực, tại thủ đô Hà Nội ta đã tổ chức được 92 trận địa tập trung pháo phòng không tầm thấp và bốn đại đội cao xạ tầm trung (loại 100 mm), nhiều trận địa được bố trí trên các tòa nhà cao tầng, gần các mục tiêu trọng điểm, đón lõng trên các đường bay của địch... Ngoài ra còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch.

Thắng lợi của “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của tư tưởng chiến lược tiến công, tính tích cực chủ động, mưu trí sáng tạo của quân và dân ta. Lần đầu, trong lịch sử 30 năm tiến hành chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975), quân và dân ta đã tiến hành một chiến dịch phòng không quy mô lớn chống lại một cuộc tập kích chiến lược bằng B.52 và đây cũng là cuộc tập kích lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh hiện đại. Bằng chiến dịch này, ta đã giáng một đòn quyết định vào ưu thế của không lực Hoa Kì, trong đó nòng cốt là lực lượng không quân chiến lược.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội - 1996, tr 467

2. Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân - Hà Nội, 1990, tr 203

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-1996, tr.470

4. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội-1996, tr.553

5. Lịch sử Quân chủng PK-KQ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội-1994, tr.219

Dương Nhật Thái

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ