Dự kiến thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực…
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng. Bên cạnh việc xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, Quốc hội sẽ xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong nửa nhiệm kỳ, đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, để từ đó đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tham dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; các vị lão thành cách mạng, các vị nguyên là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, các vị trong Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Cùng với đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH và 1 Nghị quyết, đồng thời, cho ý kiến 6 dự án luật khác nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách tư pháp, củng cố quốc phòng an ninh, đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đây là những dự án luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo, trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến lần thứ hai để xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Trên cơ sở Quốc hội xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV |
Quốc hội bầu Chủ tịch nước và lấy phiếu tín nhiệm
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.
Đặc biệt, tại Kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
|
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019. Theo đó, một trong những nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh đó là: Công tác GD-ĐT tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tính đến năm học 2018 - 2019, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ước đạt 92%.
Cùng với đó, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó, giáo dục đại học, đào tạo nghề có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng lên. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến nay đã có 23 trường thực hiện tự chủ. Việt Nam có 5 trường đại học nằm trong tốp 400 trường hàng đầu châu Á, 2 trường đại học nằm trong tốp 1.000 trường tốt nhất thế giới; nghiên cứu khoa học trong các trường đại học có bước tiến bộ, công bố quốc tế tăng. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo nghề tăng; kỹ năng nghề được cải thiện. Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN.