Định hướng toàn bộ hệ thống GD
PGS Nguyễn Văn Lê phân tích, đội ngũ GV Việt Nam đang thừa thiếu cục bộ. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, các đơn vị đào tạo và sử dụng GV vẫn còn nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ. Do đó, công tác dự báo GV có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo GV trong các nhà trường sư phạm, đáp ứng nhu cầu xã hội. Dự báo GV giúp cho việc lập kế hoạch GD, quy hoạch GV bảo đảm hạn chế tối đa về sự lãng phí nguồn lực (con người, kinh phí, cơ sở vật chất…).
Theo PGS Nguyễn Văn Lê, dự báo có vai trò quan trọng trong quá trình ra quyết định quản lý. Theo nghĩa chung nhất, quản lý là sự tác động liên tục có tổ chức, có chủ đích vào đối tượng quản lý bằng các hệ thống biện pháp kinh tế, xã hội, các biện pháp hành chính… nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển sản xuất, tiến bộ xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, công tác dự báo là vô cùng quan trọng bởi lẽ nó cung cấp các thông tin cần thiết nhằm phát hiện và bố trí sử dụng các nguồn lực trong tương lai một cách có căn cứ thực tế.
Những thông tin mà dự báo đưa ra cho phép các nhà hoạch định chính sách có những quyết định về đầu tư, sản xuất, tiết kiệm và tiêu dùng, các chính sách tài chính, chính sách kinh tế vĩ mô. Dự báo không chỉ tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển, cho các quy hoạch tổng thể mà còn cho phép xem xét khả năng thực hiện và hiệu chỉnh kế hoạch.
Giáo sinh sư phạm. Ảnh minh họa |
Đối tượng của dự báo GD-ĐT là các vấn đề của hệ thống GD quốc dân của một nước, một địa phương với những đặc trưng về quy mô phát triển, cơ cấu loại hình, mạng lưới trường lớp, đội ngũ GV, chất lượng đào tạo, tổ chức sư phạm. Kết quả của hoạt động quản lý là các quyết định quản lý.
Cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển sinh
Mối quan hệ giữa dự báo và kế hoạch hoá được biểu thị như sau:
Thứ nhất, mối liên hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước - trường sư phạm - đơn vị sử dụng GV và công tác dự báo. Do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, nên nhiều địa phương tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ.
Đặc biệt là từ sau năm 2011, việc chuyển đổi mô hình trường lớp bán công (không còn mô hình trường bán công) đã dẫn đến việc tuyển dụng GV ở các trường lớp bán công vào các trường công lập tăng lên, nhiều nơi tuyển dụng vào các trường công lập nhiều hơn chỉ tiêu biên chế được giao.
Dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng GV. Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần bảo đảm đủ GV theo quy định.
|
Ngoài ra, đối với GV mầm non, việc thực hiện phổ cập, đặc biệt phổ cập GD mầm non 5 tuổi dẫn đến nhu cầu bổ sung nhiều GV mầm non đáp ứng yêu cầu gia tăng số lượng trẻ mầm non đến trường. Cơ quan chuyên môn là Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng, không thể chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành GD (GV, nhân viên trong và ngoài biên chế) hiện nay thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Cùng với đó, việc xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu GV của các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả nên bị động trong bố trí số lượng người dạy, gây thừa thiếu cục bộ.
Việc đào tạo GV phải gắn với nhu cầu sử dụng. Việc xác định chỉ tiêu phải được Bộ tính toán kỹ, có căn cứ khoa học. Dự báo số lượng GV cần cho hệ thống GD là một cách thức góp phần tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước - trường sư phạm đào tạo GV và đơn vị sử dụng lao động
Thứ hai: Cần có một công trình nghiên cứu về dự báo công tác đào tạo GV một cách đầy đủ với cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, phương pháp dự báo. Công tác dự báo là vô cùng quan trọng bởi lẽ nó cung cấp các thông tin cần thiết nhằm phát hiện và bố trí sử dụng các nguồn lực GV trong tương lai một cách có căn cứ thực tế. Với những thông tin mà dự báo đưa ra cho phép các nhà hoạch định chính sách có những quyết định về chính sách, nhân sự tránh lãng phí, chồng chéo và thừa thiếu cục bộ. Dự báo không chỉ tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, cho việc xây dựng chiến lược phát triển, cho các quy hoạch tổng thể mà còn cho phép xem xét khả năng thực hiện kế hoạch và hiệu chỉnh kế hoạch.
Ngoài ra, dự báo còn cung cấp các thông tin cho phép phối hợp hành động giữa các Bộ, các địa phương. Dự báo là khâu cơ bản để quy hoạch từ cấp hệ thống và cấp trường đào tạo GV gắn nhu cầu sử dụng và đào tạo một cách hài hoà, tránh mở ồ ạt các trường sư phạm hoặc nâng cấp các trường sư phạm lên để đào tạo cho đủ số lượng mà chưa coi trọng chất lượng đào tạo, sau đó mới tính đến việc hoàn thiện, nâng trình độ cho đội ngũ GV.
Dự báo nhu cầu GV cũng góp phần quy hoạch lại nhiệm vụ của các trường sư phạm. Dự báo của nhà trường sư phạm nhất thiết phải vạch ra được mục tiêu đào tạo, nội dung học vấn, phương pháp đào tạo, hình thức tổ chức giảng dạy và học tập của nhà trường tương lai, dưới hình thức các quan niệm, phương hướng, nguyên tắc, yêu cầu mang tính chất dự báo. Đặc biệt giúp nhà trường xác định được số lượng và chỉ tiêu đào tạo phù hợp.
GD có quán tính nên việc định hướng phát triển GD từ xa là vô cùng quan trọng. Dự báo GD giúp các nhà GD và đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách có một tầm nhìn chiến lược, nhìn thấy trước tương lai để có những chính sách phát triển hợp lý về nguồn lực quốc gia.