Nắng nóng tăng cao kỷ lục
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí hậu thủy văn quốc gia: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nắng nóng năm nay ở nước ta bắt đầu sớm hơn. Vì thế, ngay từ đầu năm 2019, nắng nóng đã xảy ra ở Nam Bộ. Theo dự báo, các tỉnh Bắc Bộ từ tháng 6 - 11, nhiệt độ phổ biến cao hơn so với năm ngoái cùng thời kỳ từ 0,5 - 1 độ C. Khu vực Trung Bộ, nhiệt độ tháng 6 - 7 cao hơn từ 0,5 - 1 độ C, các tháng khác phổ biến xấp xỉ so với trung bình năm ngoái.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 6 -11/2019 phổ biến ở mức xấp xỉ so với cùng thời kỳ năm ngoái. Các đợt nắng nóng có khả năng tập trung từ nửa cuối tháng 5, 6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ nửa cuối tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Qua thực tế, từ đầu mùa hè, ở Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ đã xảy ra nắng nóng diện rộng, với nhiệt độ cao nhất trong ngàytừ 36 - 39 độ C, ở các tỉnh miền Trung xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 37 - 40 độ C, một số nơi còn có nhiệt độ trên 41 độ C như: Mường La (Sơn La) 42 độ C, Phù Yên (Sơn La) 41,7 độ C, Hòa Bình 41,1độ, cao hơn mức kỷ lục cũ 40,5 độ đã quan trắc được vào năm 2016.
Trong đợt nắng nóng này có rất nhiều trạm ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung có nhiệt độ cao nhất vượt mức đã từng quan trắc được như tại Hương Khê (Hà Tĩnh) nhiệt độ lên tới 43,4OC (cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam).
Nguyên nhân chính của sự kiện này, theo ông Hưởng là do kết hợp tác động của El Nino, xu thế nóng lên toàn cầu (trong đó có Việt Nam), nền nhiệt độ cao vào tháng 4, kết hợp với hiệu ứng đô thị và thay đổi mặt đệm khu vực trạm quan trắc.
Năm nay có khoảng 10 - 12 cơn bão
Theo các kết quả dự báo mới nhất của Tổng cục Khí tượng thủy văn, hiện tượng ENSO được dự báo sẽ duy trì trạng thái El Nino yếu từ nay đến khoảng tháng 7 và 8 với xác suất khoảng 65%, sau đó, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 có xu hướng giảm dần và ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính vào những tháng đầu năm 2020. Nhiều khả năng El Nino năm 2018 - 2019 sẽ có cường độ yếu và không kéo dài.
Với diễn biến ENSO như vậy cộng thêm các kết quả tính toán của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng như các mô hình khí hậu trên thế nhận định rằng,mùa bão năm 2019 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với năm 2018. Dự báo số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong năm 2019 có khả năng ít hơn so với trung bình năm ngoái. Cụ thể, có khả năng xuất hiện khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông và trong đó có khoảng 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
“Từ tháng 6 - 8, có khả năng xuất hiện một số nhiễu động và xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc; sau đó, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Trung Bộ. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông thấp hơn so với trung bình năm ngoái nhưng cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Trên phạm vi toàn quốc tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá”, ông Hưởng cho biết.