Trở thành một cô giáo tiểu học bình thường ở bản, Tâm tìm thấy niềm vui, hạnh phúc. Cô đem cảm hứng ấy để khởi xướng và thực hiện dự án “Tiếng Anh cho em” và đào tạo giáo viên tiếng Anh trẻ em phi lợi nhuận tại nhiều tỉnh thành cả nước.
“Người lạ” ở vùng biên giới
Khi còn là học sinh Trường PTDTBT THCS Môn Sơn (huyện Con Cuông), Lương Thị Tâm khiến nhiều người bất ngờ khi giành giải Nhất môn Tiếng Anh tại kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) của huyện. Cũng năm đó Tâm xuất sắc đem về giải Ba HSG cấp tỉnh môn Tiếng Anh đầu tiên cho huyện miền núi tây xứ Nghệ này. Với ngôi trường biên giới, 100% học sinh người dân tộc thiểu số, hộ nghèo chiếm hầu hết, những gì Tâm đạt được thực sự là kỳ tích. Ở bản Cằng, nhiều bạn của Tâm lên lớp 8, lớp 9 đã bỏ học đi lấy chồng. Nhưng Tâm say mê theo đuổi việc học và môn Tiếng Anh như một “người lạ” ở bản.
“Tôi đến với tiếng Anh bắt đầu từ người thầy dạy cấp 2. Thầy rất nhiệt tình, tâm huyết, và khiến một đứa trẻ dân tộc thiểu số thấy môn tiếng Anh không khó, mình cũng có thể học được. Vì thích những giờ học của thầy, mà tôi quyết tâm học giỏi, đọc hết bài tập, sách báo thầy đem cho... Về sau này, tôi còn có nhiều người thầy khác, nhưng đó là người đầu tiên truyền cảm hứng để tôi tự tin bước ra thế giới bên ngoài, theo đuổi đam mê của mình”, Lương Thị Tâm nhớ lại.
Lên lớp 10, Tâm trúng tuyển vào Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An. Xuống TP Vinh học được 2 năm, thì gia đình xảy ra biến cố lớn. Bố mẹ ly dị, một cú sốc lớn với nữ sinh đang đi học xa nhà. Tâm quyết định xin chuyển trường, rời thành phố về học tại Trường THPT Mường Quạ (huyện Con Cuông). Những vất vả thiếu thốn đeo bám cô nữ sinh như nỗi ám ảnh. Cũng vì vậy mà cô lựa chọn thi vào Học viện Tài chính (Hà Nội), với suy nghĩ đó là con đường nhanh nhất để thoát nghèo.
Nhưng học đến năm thứ 2, cô lại thấy có điều gì... không đúng. Tâm vẫn học tập bình thường, nhưng kết quả không nổi bật, bởi không thấy đam mê. “Tôi chợt nhớ tới ước mơ ngày xưa của mình, là trở thành một cô giáo – vẫn còn cháy âm ỉ. Kể từ đó, lúc nào tôi cũng có suy nghĩ nhất định mình phải quay lại ngành sư phạm”, Tâm kể lại. Cô không bỏ ngang trường ĐH hiện tại, mà vẫn quyết tâm học đến cùng, và tốt nghiệp với tấm bằng khá. Sau đó, cô thi văn bằng 2 vào ngành Sư phạm Tiếng Anh (ĐH Sư phạm Hà Nội).
Thời gian đó là những chuỗi ngày vô cùng vất vả. Bản thân phải tự học rất nhiều. Lương Thị Tâm nhớ lại: “Vì học văn bằng 2, thời gian học mỗi tuần chỉ có 2 ngày thứ 7, Chủ nhật với lượng kiến thức rất lớn, nên tôi phải tự học rất nhiều. Không có ai hỗ trợ, vừa học, vừa làm. Có những ngày làm việc đến 14 – 15 tiếng để vừa trả học phí cho mình, trả nợ cho mẹ, nuôi em trai đi học. Có những lúc vừa đi làm vừa khóc, không biết phải làm sao cho vẹn toàn, tôi tự hỏi hay là mình bỏ cuộc. Nhưng rồi vẫn ‘cắn răng’ để học, rồi cuối cùng cũng vượt qua được”.
Tâm cũng chia sẻ, những năm tháng vất vả ấy đã cho cô nhiều bài học, trải nghiệm. “Có 2 cách để tồn tại, hoặc là cực khỏe, hoặc là cực giỏi. Nếu khỏe, mình có thể làm bất cứ việc chân tay nào. Nhưng Tâm bị tim bẩm sinh, không có sức bền, nên cách duy nhất là phấn đấu học để thoát nghèo, để nuôi sống bản thân”, Tâm chia sẻ.
Cô giáo Tâm ở bản Cằng
Trong thời gian học văn bằng 2, Lương Thị Tâm cũng tự mình đi học thêm và lấy các chứng chỉ tiếng Anh theo quy định của Bộ GD&ĐT để chuẩn hóa. Cô chứng minh và khẳng định mình bởi kiến thức, sự nhiệt tình, trách nhiệm. Vì vậy, dù chưa tốt nghiệp, Tâm đã được nhiều trường chất lượng cao tại Hà Nội nhận làm giáo viên dạy Toán – Tiếng Anh. Nhưng cô đã từ chối. “Lần này học theo đam mê, nên tôi đã tốt nghiệp xếp thứ 2 toàn khóa”, Tâm vui vẻ khoe. Cũng trong năm đó, Lương Thị Tâm được nhận về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Bồng Khê (huyện Con Cuông) theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ.
Cô gái Thái sau gần 10 năm nỗ lực, lăn lộn tìm chỗ đứng ở thủ đô, quyết định từ bỏ tất cả để quay về. “Nhiều người nói có điên mới rời Hà Nội để về đi dạy học với mức lương 4 – 5 triệu/tháng. Tôi biết ở Con Cuông có rất nhiều người học giỏi nhưng không phải ai cũng muốn trở về. Nhưng từ khi học ngành sư phạm tôi đã có ước mơ được về quê hương dạy học. Mình là đi ra từ bản làng, theo đuổi đam mê, sao mình không quay lại để giúp các em nhỏ như mình ngày xưa”, cô giáo trẻ tâm sự.
Về dạy ở các trường chính và điểm lẻ, cô thấy học sinh ở vùng cao rất thật thà, chân thành. Lương Thị Tâm cũng chia sẻ, với tiếng Anh tiểu học, cô không đặt nặng về thành tích, không cần phải tìm cách luyện học sinh giỏi, mà hướng đến giáo dục đại trà. Bởi đây là thời gian để học sinh làm quen, có ấn tượng ban đầu với môn học. Quan trọng nhất là phải làm thay đổi thái độ học tập của học sinh, chuyển từ sợ khi nhắc đến tiếng Anh sang yêu thích, tự hào về tiết học của mình. Trẻ con rất nhạy cảm, và biết được thầy cô có thực sự yêu quý, tâm huyết với các em không.
Mới dạy học hơn 1 năm, nhưng dù là học sinh trường chính hay bản lẻ, mỗi lần thấy cô Tâm đều tự tin, chủ động chào hỏi thân thiện. “Khi cô nói chuẩn bị đi học cao học, đi tập huấn, sẽ vắng mặt mấy hôm, có em viết thư cho cô “chúc cô học được nhiều từ các thầy của cô để về dạy cho chúng em”. “Có em còn không quên dặn “cô đi nhớ phải về, không về là con khóc đấy”. Trở thành một cô giáo, về bản dạy học, tôi cảm thấy hạnh phúc”, cô Tâm xúc động nói.
Ngoài dạy học ở trường, Lương Thị Tâm cũng đang duy trì dự án lớp học “Tiếng Anh cho em” miễn phí. Dự án này Tâm triển khai từ năm 2019 và đã tổ chức một lớp cho học sinh DTTS ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid, nên lớp học hè của Tâm bị gián đoạn. Thay vào đó, Tâm tiếp tục làm những clip đơn giản, dễ hiểu và chia sẻ lên kênh Youtube với tài khoản tên “cô Tâm bản Cằng” để các em làm quen và có thể tự học ở nhà.
Cô tâm sự: “Tôi cũng không mong mình thay đổi được cả một thế hệ, mà chỉ cần một vài bạn trong đó thôi. Giờ đây, đi các bản làng trong huyện, nhiều em nhận ra tôi và chào “Cô Tâm! Cô tâm ở bản Cằng – có nghĩa các em đã nhìn thấy và học những bài tiếng Anh của mình.Tôi nghĩ, mình đã quay về đúng”!
Đào tạo giáo viên tiếng Anh miễn phí
Dù chính thức vào ngành giáo dục không lâu, nhưng Lương Thị Tâm đã sáng lập và triển khai dự án phi lợi nhuận đào tạo giáo viên Tiếng Anh trẻ em miễn phí. Nói về ý tưởng triển khai dự án, Tâm chia sẻ, đào tạo tiếng Anh cho trẻ em hiện nay khá phát triển, đặc biệt là ở các trung tâm ngoại ngữ. Nhưng nhiều giáo viên không được đào tạo sư phạm chính quy, nên thiếu kỹ năng, không hiểu tâm lý lứa tuổi. Cô cũng đã từng trải qua thời gian dạy đó, nên hiểu được đam mê của một người làm trái nghề. Cô biết những vất vả để tự tìm phương pháp tiếp cận trẻ em và cả hệ lụy nếu mình dạy sai, tạo ấn tượng không tốt ban đầu của môn học với 1 đứa trẻ. “Kỹ năng của tôi chưa hoàn mỹ, nhưng tôi muốn chia sẻ với mọi người những phương pháp, kinh nghiệm bản thân tích lũy được. Tôi thích giúp đỡ mọi người, sống làm sao để ngày mai còn muốn sống”, Tâm nói.
Thời gian mỗi khóa học là 2 ngày, thường vào thứ 7, Chủ nhật. Còn ở dịp hè thì thời gian có thể linh hoạt hơn. Cô đào tạo miễn phí. Học viên chỉ phải trả chi phí ăn ở, đi lại, hoặc in ấn tài liệu... và địa điểm để tổ chức khóa học. Cô Tâm cũng khẳng định, trong 2 ngày, không thể biến một người kém thành giỏi, nhưng có thể giúp giáo viên biết kỹ năng sư phạm cơ bản, có phương pháp để hiểu học sinh, xây dựng kế hoạch triển khai lớp học phù hợp với đối tượng. Sau 2 năm triển khai dự án, Lương Thị Tâm đã mở được hơn 25 khóa đào tạo với hơn 300 học viên ở Hà Nội, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, ở Hải Phòng, Đắk Lắk... theo học.
“Quan trọng nhất là truyền cảm hứng cho mọi người và tôi hoàn toàn tự nguyện. Bản thân cũng là một người dân tộc thiểu số, lớn lên trong vất vả thiếu thốn. Nhưng tôi vẫn theo đuổi được ước mơ của mình, trở thành cô giáo. Tôi hi vọng câu chuyện, trải nghiệm của mình sẽ tạo động lực để các giáo viên tiếng Anh trẻ em tục học hỏi, phát triển nghề nghiệp. Qua đó, giúp họ dạy học tốt hơn và sống được bằng nghề của mình, mà không phải bôn ba với nghề khác”, Lương Thị Tâm bày tỏ.
Tâm cũng chia sẻ, dù đi con đường vòng để quay lại với giấc mơ sư phạm, nhưng cô không ân hận. Bởi học được thêm bất cứ một kỹ năng, kiến thức nào cũng có ích cho bản thân. Dùng tư duy một người làm tài chính để dạy học khác với giáo viên đơn thuần, mình biết người học cần gì, thiếu gì, điều kiện kinh tế ảnh hưởng đến giáo dục ra sao. Bản thân cô cũng biết xây dựng kế hoạch cho bản thân để duy trì, phát triển dự án mà mình đang theo đuổi.