Dự án tái định cư “đắp chiếu” ở Thái Nguyên: Đi tìm người chịu trách nhiệm

GD&TĐ - Được đầu tư 14 tỷ đồng nhưng đến nay Dự án tái định cư xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ vẫn là bãi đất trống do quá trình xây dựng đã phải dừng lại vì sạt lở núi. Sau khi vào cuộc, Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên đã chỉ ra nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến dự án này.

Dự án chỉ còn là bãi đất trống mặc dù đã được đầu tư 14 tỷ đồng
Dự án chỉ còn là bãi đất trống mặc dù đã được đầu tư 14 tỷ đồng

Cần hàng chục tỷ đồng để khắc phục

Trong số báo ra ngày 13/6, Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết: “Thái Nguyên: Khu tái định cư “ngốn” 14 tỷ đồng vẫn là bãi đất trống” phản ánh về việc Dự án Khu tái định cư (TĐC) xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ được đầu tư ngân sách 14 tỷ đồng nhưng đến nay, các hộ dân nằm trong diện di dời vẫn chưa được chuyển đến ở.

Việc Khu TĐC xã Vạn Thọ bị đắp chiếu như hiện nay bắt nguồn từ trận mưa đêm 22/4/2016. Lượng mưa lớn đã kéo theo đất đá từ trên núi sạt lở vùi lấp khu mặt bằng đã được quy hoạch.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên, nguyên nhân gây ra sạt lở đất ở Khu TĐC xã Vạn Thọ là do tổ hợp của nhiều nguyên nhân về địa hình - địa mạo; địa chất - kiến tạo; địa chất thủy văn, thủy văn trên mặt.

Trước những nguyên nhân được nêu trên, ngày 16/9 và 25/10/2016, Sở Xây dựng đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án kết hợp giữa tận dụng sử dụng quỹ đất của dự án ban đầu tạo ra sau khi xử lý kỹ thuật và bố trí thêm quỹ đất TĐC ra khu vực an toàn hơn. Sau khi nghiên cứu ý kiến của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương, Sở Xây dựng đã đưa ra 3 phương án xử lý đối với dự án này.

Cụ thể, phương án 1 sẽ tốn khoảng trên 10 tỷ đồng cho chi phí xây dựng xử lý trượt sạt dự án ban đầu. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm giảm một phần diện tích đất công cộng của dự án.

Phương án 2 sẽ tốn khoảng trên 17 tỷ đồng gồm: Hơn 8,2 tỷ đồng dành cho chi phí xây dựng xử lý trượt sạt dự án ban đầu và 8,8 tỷ đồng là chi phí cho 15 hộ dân ra khu mới. Nhưng điều này sẽ phá vỡ quy hoạch của địa phương, làm mất nhiều diện tích đất lúa hai vụ, làm cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn mà kinh phí đầu tư tương đối cao.

Phương án 3, số tiền đầu tư tăng lên gần 22 tỷ đồng cho việc xây dựng xử lý trượt sạt dự án ban đầu (hơn 8,2 tỷ đồng) và cho 31 hộ dân ra khỏi khu mới (13,6 tỷ đồng). Phương án này cũng có những nhược điểm giống như phương án thứ 2.

Như vậy, để những hộ dân có thể đến ở tại Khu TĐC xã Vạn Thọ thì số tiền phải bỏ ra để khắc phục sự cố sẽ phải tốn ít nhất hàng chục tỷ đồng nếu không nó sẽ mãi là khu đất trống, còn người dân TĐC sẽ phải chịu cảnh ngập nước khi mùa mưa đến.

Tatuy của dự án bị đất đá phá vỡ, vùi lấp
  • Tatuy của dự án bị đất đá phá vỡ, vùi lấp

Trách nhiệm thuộc về ai?

Theo Báo cáo số 915/BC-SXD, ngày 10/5/2017, Sở Xây dựng cũng chỉ ra trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc Dự án TĐC xã Vạn Thọ bị sạt lở, bao gồm: Chủ đầu tư thực hiện chưa hiện đầy đủ một số nội dung được quy định tại Thông tư số 10/2013/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình và Nghị định số 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Đối với Công ty CP tư vấn xây dựng và phát triển miền Bắc là đơn vị thực hiện toàn bộ các nội dung liên quan đến công tác khảo sát và thiết kế công trình: Về cơ bản mật độ hố khoan thưa và nằm ngoài rìa chân đồi (trung tâm khu san) không nằm trong khu vực hình thành mái taluy khi xây dựng công trình, không khảo sát cắt ngang địa chất bao trùm hết phạm vi bãi san nên kết quả chưa phản ánh hết cấu tạo địa tầng cũng như tính chất cơ lý của đất đá khu vực san gạt mái taluy của công trình. Qua đó thể hiện việc lập nhiệm vụ khảo sát, phương án khảo sát của tư vấn thiết kế không tuân thủ các quy định về khảo sát.

Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình đó là: Trong quá trình thi công xây dựng công trình giám sát thi công xây dựng và nhà thầu thi công đã không có thông báo kịp thời cho chủ đầu tư khi phát hiện bất kì sai phạm khác về địa chất công trình, yếu tố kỹ thuật của đất mái taluy công trình so với thiết kế, hồ sơ hợp đồng và điều kiện hiện trường.

Như đã thông tin ở bài viết trước, Dự án Khu TĐC xã Vạn Thọ được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt nhằm mục đích di dời 35 hộ dân nằm trong vùng bán ngập hồ Núi Cốc để ổn định cuộc sống. Dự án này có tổng mức đồng tư hơn 16 tỷ đồng, công trình gồm các hạng mục: San nền, hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, hệ thống thoát nước, hệ thống cấp điện, nhà văn hóa, nhà vệ sinh.

Sau khi sự cố sạt lở đất ở Dự án TĐC xã Vạn Thọ xảy ra, ngày 11/10/2016, Sở NN&PTNT Thái Nguyên đã có văn bản báo cáo HĐND và UBND tỉnh về kết quả thực hiện kế hoạch TĐC cho 35 hộ dân của xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ: “Tổng vốn thực hiện dự án 14 tỷ đồng, đạt 86,8% tổng mức đầu tư của dự án (hơn 16 tỷ đồng), thi công đạt 80% khối lượng. Do trong quá trình thực hiện bị sạt lở mái taluy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu tạm dừng thi công để chờ kết luận, thống nhất biện pháp xử lý”.

Ngày 20/10/2016, Sở NN&PTNT tiếp tục gửi báo cáo đến UBND tỉnh Thái Nguyên về kết quả kiểm tra tại Dự án Khu TĐC xã Vạn Thọ, như sau: “Hiện các hạng mục nhà văn hóa, hệ thống cấp điện đã thi công hoàn thiện, các hạng mục còn lại đang tạm dừng thi công do sạt lở đất và đang chờ UBND tỉnh lựa chọn phương án xử lý kỹ thuật”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.