Dự án nuôi bò Bình Hà hơn 4.500 tỷ: Vì sao thất bại ê chề?

GD&TĐ - Dự án chăn nuôi bò Bình Hà được triển khai trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) với tổng số vốn đầu tư hơn 4.500 tỉ đồng, số lượng bò dự kiến lên đến 254.000 con/năm, từng được xem là “đầu kéo” cho nền nông nghiệp của tỉnh. Thế nhưng, sau gần 4 năm triển khai, dự án đã thất bại hoàn toàn để lại quá nhiều tai tiếng.

Dự án bò Bình Hà chuồng trại giờ đã tan hoang. Ảnh: TG
Dự án bò Bình Hà chuồng trại giờ đã tan hoang. Ảnh: TG

Vì sao thất bại?

Dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà đã được chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 1300/ QĐ -UBND ngày 15/4/2015 của UBND tỉnh Hà Tĩnh với diện tích đất khảo sát khoảng 6.119ha, quy mô đàn bò dự kiến 150.000 con/năm, vốn đầu tư trên 4.233 tỉ đồng. Năm 2016 dự án này được điều chỉnh lại với tổng diện tích đất thực hiện là 2.163,5 ha (gồm: Kỳ Anh 584,9 ha và Cẩm Xuyên 1.587,6 ha), tổng đàn bò 254.200 con/năm, tổng vốn đầu tư là 4.582 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án là phát triển chăn nuôi bò giống, bò thịt theo quy trình công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước; tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhà đầu tư, người lao động và người dân trên địa bàn. Được đánh giá là trại nuôi bò giống, thịt lớn nhất miền Trung, với lợi nhuận hàng năm lên tới 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động... dự án đem lại kỳ vọng tái cơ cấu và thúc đẩy ngành nông nghiệp của Hà Tĩnh phát triển…

Thế nhưng sau gần 4 năm triển khai, giờ đây dự án chỉ còn là bãi đất trống, tan hoang. Dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò/năm (bằng 6% quy mô dự án), đã xuất bán khoảng 43.000 con sau khi đã vỗ béo, lượng bò nhập về và thả nuôi giảm dần theo từng năm, có thời điểm, tính số con bò trong chuồng chỉ vỏn vẹn gần 800 con. Đến thời điểm hiện tại, trang trại bỏ hoang.

Trong dự án này, Công ty Bình Hà được 1 ngân hàng TMCP cho vay hơn 2.000 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này sẽ tiếp tục làm đầu mối đầu tư vốn lưu động cho dự án với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Báo cáo số 157/BH của Công ty Bình Hà ngày 19/9/2017 cũng thừa nhận, công ty đã đầu tư vào dự án này với số tiền 2.000 tỷ đồng, tuy nhiên chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn và thua lỗ. Riêng năm 2016 công ty lỗ hơn 200 tỉ đồng. Lúc này, dư luận hoài nghi, Công ty Bình Hà xây dựng dự án chỉ để vay vốn ngân hàng!?

Cuối năm 2017, Công ty bò Bình Hà chuyển đổi một phần diện tích trồng cỏ sang trồng 212 ha chuối thương phẩm mà không đánh giá lại tác động môi trường, không xin phép cơ quan chức năng sản xuất thử nghiệm giống chuối mới Cavendish. Sau hơn 1 năm chuyển đổi, “kỳ vọng” duy nhất trong đại dự án này chỉ là bãi chuối bị chặt phá ngổn ngang, thành nơi chăn thả bò.... Điều này, gây bức xúc cho chính quyền và người dân trong vùng dự án. Thất bại của dự án chăn nuôi bò Bình Hà tiếp tục làm giảm niềm tin của người dân đối với các dự án đầu tư nông nghiệp.

Đặc biệt, chính dự án cũng nhiều lần làm “nóng” nghị trường các cuộc họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi về tính hiệu quả và tương lai của dự án này; đồng thời yêu cầu làm rõ việc công ty chuyển từ trồng cỏ sang trồng chuối. Ngoài ra, Công ty Bình Hà đã sử dụng đất dự án để thế chấp vay vốn hay không?

Ngoài thua lỗ, gây ô nhiễm môi trường, nông dân mất tư liệu sản xuất, dự án để lại rất nhiều sự bức xúc cho người dân và chính quyền địa phương. Điều đáng buồn hơn là sự coi thường, thiếu phối hợp với các cấp của lãnh đạo Công ty Bình Hà (?!). Hầu hết các cuộc làm việc do lãnh đạo tỉnh, huyện chủ trì, mời năm lần bảy lượt nhưng cán bộ công ty đến dự họp cấp cao nhất cũng chỉ là... cấp phó.

Khi những sai phạm nghiệm trong “siêu” dự án này được phát hiện, hàng loạt lãnh đạo ngân hàng BIDV cùng lãnh đạo Công ty bò Bình Hà bị bắt giữ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Chỉ còn lại 200ha trồng chuối. Ảnh: TG
  • Chỉ còn lại 200ha trồng chuối. Ảnh: TG

Định giá tài sản dự án bò Bình Hà

Văn phòng UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi các sở ban ngành và các địa phương về việc khẩn trương thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT (C03) Bộ Công an.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự khẩn trương thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà bảo đảm đúng quy định hiện hành, hoàn thành đúng tiến độ, thời hạn; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện cho Cơ quan CSĐT Bộ Công an cùng Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Giao giám đốc các Sở Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng, chủ tịch UBND các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Chủ tịch UBND các xã Cẩm Quan (huyện Cẩm Xuyên), Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh) - nơi có trang trại nuôi bò của Công ty CP chăn nuôi Bình Hà đóng trên địa bàn, thường xuyên quan tâm, ưu tiên cao nhất cho thực hiện nhiệm vụ định giá tài sản cố định hiện hữu của công ty này theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và Hội đồng định giá tài sản; Đồng thời, trực tiếp tham gia và cử các đơn vị, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng khi có yêu cầu để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.