Hợp lòng dân?
Sáng 19/12, trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Trương Thị Mùa, Phó Bí thư Chi bộ Tổ 1, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La bức xúc: “Tôi không nhất trí về vấn đề xây dựng nhà hỏa thiêu gần Trường ĐH Tây Bắc, nó ảnh hưởng môi trường lắm. Chiều 18/12 họp chi bộ, chúng tôi còn chẳng nắm được thông tin gì về nghĩa trang này. Sáng 19/12 tôi mới nghe được thông tin từ bên ngoài nên rất bức xúc”.
Bà Mùa cho biết, lẽ ra cán bộ, đảng viên trong chi bộ phải được phổ biến, thông qua từ lập dự thảo, góp ý để phổ biến và ghi nhận ý kiến từ phía nhân dân. Thế nhưng cho đến nay, cán bộ đảng viên trong chi bộ cũng chưa hề nhận được thông tin chính thức nào từ các cấp chính quyền. “Cán bộ cấp trên có quyết định thế nào thì cũng vẫn phải thông qua dân để đảm bảo công bằng, để người dân nắm bắt, bàn bạc chứ. Nên thông báo văn bản quyết định để các cơ sở nắm bắt, rồi thu nhận ý kiến đóng góp của dân”, bà Trương Thị Mùa chia sẻ.
Ông Hà Văn Tơm (80 tuổi) cán bộ lão thành cách mạng, nguyên là cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng uỷ phường Chiềng Sinh, TP Sơn La cũng bày tỏ bức xúc không kém. Ông Tơm cho rằng, vị trí mà TP Sơn La đang lựa chọn để xây dựng nghĩa trang nhân dân, lò hoả táng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân cũng như hàng nghìn học sinh, sinh viên đang theo học tại Trường ĐH Tây Bắc.
|
Ông Tạ Quang Trường, Trưởng nhóm dân cư số 4, tổ 2, phường Quyết Tâm, TP Sơn La cho biết, cho đến thời điểm này ở khu dân cư mình vẫn chưa nhận được thông tin chính thức liên quan đến dự án này. Chỉ đến khi nhân dân trong thành phố xôn xao thì ông mới được biết. “Về quan điểm, bà con nhân dân nhất trí cao với việc Sơn La xây dựng dự án nghĩa trang. Thế nhưng trong quá trình quy hoạch, mong muốn của lãnh đạo cũng phải tính đến lòng dân chứ. Khi làm, không thông tin, giờ có chủ định cắm móng (thi công) rồi các vị mới thông báo nên nhân dân phản ứng rất nhiều” - ông Trường gay gắt.
Né tránh?
Ông Tạ Quang Trường cho rằng có sự áp đặt trong quá trình triển khai dự án này. “Có nhiều vị trí để đặt nghĩa trang phía ngoài thành phố. Ví dụ như trục đường Quốc lộ 6 cũ, khu vực cây Sấu, vừa xa dân cư, vừa có sẵn đường QL 6 cũ. Tại sao tỉnh này lại không nghĩ đến những địa điểm như thế mà lại đưa vào giữa khu dân cư của thành phố? Tôi thấy có cái gì đó tự quyền, tự quyết ở đây. Người dân chúng tôi cũng không hài lòng. Cơ quan của dân mà vẫn mang tính chất cửa quyền. Tôi nghĩ, nếu có sự bàn bạc, dân chủ, được nhân dân đồng thuận thì khó đến mấy cũng thành công thôi!” - ông Trường chia sẻ.
Tại buổi làm việc ngày 13/12 với lãnh đạo tỉnh Sơn La, đại diện các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La nên thận trọng. Bởi mọi quyết định của tỉnh liên quan đến dự án xây dựng nghĩa trang và lò hỏa táng đều phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử. Tỉnh nên xem xét nguyện vọng của cán bộ, viên chức Trường Đại học Tây Bắc để có giải pháp hợp tình, hợp lý. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án cho nhà trường để đi đến sự thống nhất.
Ông Trường cũng cho biết thêm, hiện tại không chỉ bản thân ông, người dân phường Quyết Thắng mà nhiều hộ dân ở thành phố Sơn La cũng không đồng tình với việc triển khai dự án nghĩa trang. “Chúng tôi mong các cơ quan có thẩm quyền hãy lắng nghe ý kiến của nhân dân” - ông Trường bộc bạch.
Ngày 19/12, trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Mai Thu Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La vẫn giữ nguyên chủ trương xây dựng nghĩa trang nhân dân và lò hoả táng như hiện nay. “Chủ trương của tỉnh chắc là không thay đổi. Chỉ có điều là ý kiến của nhân dân, cán bộ đảng viên và giáo viên, học sinh của Trường ĐH Tây Bắc, tỉnh đang nghiên cứu. Để đưa ra ý kiến trả lời phải có đầy đủ cơ sở khoa học, pháp lý” - bà Hương cho biết.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La có nhiều vị trí chưa đạt khoảng cách an toàn về nguồn nước theo quy định |
Cùng ngày, Báo GD&TĐ kết nối với ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La để tìm hiểu về quan điểm của tỉnh trước những phản ứng của dư luận. Ông Minh cho rằng nếu có nhu cầu làm việc thì gặp các sở, ngành có liên quan của tỉnh (trong khi UBND tỉnh Sơn La là cơ quan ban hành các quyết định, văn bản liên quan đến dự án này). Trước đó, (5/12) Báo GD&TĐ đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Cảnh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La nhưng ông Cảnh “bận họp”. Đến nay, Báo GD&TĐ vẫn chưa nhận được hồi âm từ vị lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh này. Phải chăng, các đơn vị chức năng của Sơn La đang né tránh?