Bất an
“Tôi thực sự đã thao thức, đã cầm bút, đã viết, đã đợi chờ hồi âm kể từ khi công bố dự án. Một bầu tâm lí lo lắng bất an bao phủ lấy ngôi trường mà tôi từng theo học. Tôi nghĩ về thầy cô tôi rất nhiều, liệu thầy cô có thực sự yên lòng khi lên lớp, liệu thầy cô có yên lòng sống, gắn bó dài lâu và cống hiến hết mình, như đã từng, cho mảnh đất Sơn La gian khó nhọc nhằn này.
Có thể chưa gói ghém lắng kết hết mọi ngổn ngang nỗi lòng, mọi bộn bề tâm tư, nhưng tôi vẫn mong một cái kết an lành tốt đẹp sẽ đến với thầy cô tôi và mái trường Đại học Tây Bắc mãi yêu và thương của tôi trước thềm năm mới”, cựu sinh viên Nguyễn Văn Nhượng viết trong bức thư.
“Sau khi Sơn La công bố bản đồ quy hoạch nghĩa trang, lò hỏa táng đã gây cho trường cơn sốt mạnh mẽ. Bản quy hoạch như một đám mây đen phủ xuống những rặng cây đang ngày ngày xanh bóng, len cả vào bài giảng, giấc ngủ của thầy và trò nhà trường.
Một nỗi ám ảnh, hoang mang, lo sợ lan trong trường và khu dân cư quanh trường. Tất cả những cảm xúc tâm tư ngổn ngang nghẹn ứ đến thắt lòng đều đã được giãi bày chân tình, thẳng thắn tại các buổi làm việc giữa lãnh đạo các ngành với nhà trường. Vấn đề còn lại, trong những ngày này là chờ đợi, trông mong thấp thỏm, đặt niềm tin vào sự lắng nghe, tiếp thu và hành động của lãnh đạo tỉnh”, anh Nhượng viết tiếp.
Theo anh Nhượng, Đại học Tây Bắc “gánh vác trên vai sứ mệnh hết sức cao cả, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực các tỉnh Tây Bắc. Ngôi trường là niềm tự hào của tỉnh Sơn La cũng như các tỉnh Tây Bắc, là sợi dây liên kết với các tỉnh Bắc Lào”. Bởi thế, anh đặt câu hỏi: Phải chăng Dự án nghĩa trang nhân dân đặt cạnh Trường ĐH Tây Bắc là cách người ta “trả ơn” cái nôi đã sản sinh ra bao thế hệ cán bộ các cấp của tỉnh Sơn La?
“Tôi không ngờ rằng tình người lại bèo bọt như vậy trong khi biết bao nhà khoa học đã và đang đóng góp cho tỉnh, bao nhiêu thế hệ sinh viên đã và đang chọn nơi đây để tu nghiệp, lại có nguy cơ bị uy hiếp như vậy”, anh Nhượng chia sẻ.
|
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
“Đồng bào Thái Tây Bắc nhắc nhở con cháu mình rằng: “Ăn cá đừng quên suối, ăn gạo đừng quên nương”. Nhiều lãnh đạo tỉnh và con của họ cũng trưởng thành từ ngôi trường này. Xin hãy nghĩ lại để trân trọng quá khứ, sống tốt với hiện tại và nghĩ cho tương lai bằng những việc làm thuận ý trời và đẹp lòng người nhất. Nếu không thể được như thế, thì chí ít cũng đừng “trả ơn” theo cách làm ở dự án này.
Những năm 2000, tôi còn nhớ số tiến sĩ và nghiên cứu sinh, thạc sĩ của trường khi đó đếm chưa quá nửa bàn tay. Thế mà từ đó đến nay biết bao nhiêu thầy cô đã học lên tiến sĩ, được phong giáo sư. Đó là những nỗ lực không mệt mỏi. Họ đã vì ai để vươn lên? Vì ai để chấp nhận xa quê hương, chọn Sơn La là nơi ở lại và gắn bó?”, anh Nhượng bộc bạch.
Qua tâm thư của mình, anh Nguyễn Văn Nhượng cũng bày tỏ mong muốn những tâm sự từ trái tim mình sẽ được gửi đến lãnh đạo tỉnh Sơn La như một sự vun trồng, đắp xây tỉnh nhà ngày càng phát triển.
“Xin hãy tính toán kĩ, đừng để rắp tâm nào xen vào những dự án kiểu như này. Đó không phải là cách trả ơn cho nhà trường. Mọi toan tính nhỏ hẹp, thiếu sáng suốt và nhân văn đều sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường, đều sẽ phải trả giá. Vì môi trường sư phạm, vì tương lai phát triển của nhà trường,vì tất cả những gì trường đã mang lại cho tỉnh Sơn La, xin lãnh đạo tỉnh hãy nghĩ lại trong dự án này”.
“Từ trong trái tim của một cựu sinh viên, tôi rất mong những tiếng nói từ trách nhiệm, từ lương tri sẽ được lắng nghe, tiếp thu để những người thầy của tôi và các sinh viên đang theo học sớm yên tâm sống, yên tâm cống hiến cho mảnh đất Sơn La. Xin đừng để những cánh chim phải tìm đường bay đi mà hãy tạo ra tổ ấm để chúng bay về Sơn La”, anh Nhượng giãi bày.