Đây là những dự án mang tính thực tiễn, xuất phát từ yêu cầu cấp thiết cuộc sống.
Ứng dụng AI tăng hiệu quả kinh doanh
Nắm bắt được xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo, nhóm học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bắt tay thực hiện dự án “AI KOC - ứng dụng trí tuệ nhân tạo gia tăng hiệu quả kinh doanh” với mục đích giúp các doanh nghiệp tăng doanh số, đi đúng trào lưu truyền thông qua người nổi tiếng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Đinh Hương Giang - học sinh lớp 12A2 cho biết: Truyền thông, tiếp thị, marketing thông qua người nổi tiếng là một trong những hình thức đang được nhiều doanh nghiệp, công ty sử dụng với mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu.
KOC (Key Opinion Consumer) là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường. Công việc của họ là thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và đưa ra nhận xét, đánh giá. Theo số liệu, 92% người tiêu dùng tin tưởng KOC hơn quảng cáo hoặc đối tác truyền thống.
Hiện nay, xu hướng tiêu dùng online toàn cầu phát triển mạnh, tại Đông Nam Á là 18%. Tổng dung lượng thị trường bán lẻ tại Đông Nam Á ước tính 2.180 tỷ USD và khoảng 227 tỷ USD tại Việt Nam. Bán hàng qua KOC sẽ giúp các chiến dịch marketing hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận với các đối tượng khách hàng của mình.
Đỗ Hà Phương - học sinh lớp 11D2, thành viên phụ trách truyền thông chia sẻ: Sản phẩm chúng em thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, làm việc, thu nhập cho các doanh nghiệp và KOC. Sản phẩm đã hoàn thành giai đoạn 1 với nhiều tính năng có thể sử dụng được.
AIKOC thu thập, phân tích giọng nói, hình ảnh để tạo ra nhân vật ảo của KOC, sau đó hợp tác với doanh nghiệp tạo nên các tư liệu truyền thông nhằm gia tăng hiệu quả kinh doanh, ứng dụng được trên nhiều lĩnh vực, sản phẩm; phù hợp với nhu cầu truyền thông, quảng cáo kinh doanh của mọi doanh nghiệp.
Về tính ứng dụng và phương án phát triển, ứng dụng sản phẩm, Nguyễn Khánh Vi - học sinh lớp 10 D4 cho biết: Trí tuệ nhân tạo AI sẽ tạo ra phiên bản số của KOC, giúp doanh nghiệp gia tăng doanh số, đi đúng trào lưu truyền thông qua người nổi tiếng. Việc này sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh doanh, giải quyết vấn đề việc làm, đưa mặt hàng Việt Nam ra thế giới.
“Sau khi hoàn thiện, sản phẩm sẽ tạo ra mức lợi nhuận cao cho các doanh nghiệp trong chiến dịch bán hàng. Ngoài ra dự án có nhiều dòng tiền, từ tiền hoa hồng bán hàng, tiền phí sử dụng nền tảng của doanh nghiệp và tiền quảng cáo. Từ đó mang lại tiềm năng lợi nhuận lớn và thời gian hoàn vốn nhanh”, Khánh Vi nói.
Nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trong thời gian thực hiện dự án “Thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến”. Ảnh: Lan Anh |
Thiết bị hỗ trợ bệnh nhân tai biến
Giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân và người nhà khi điều trị phục hồi chức năng là những giá trị mà nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hướng tới khi nghiên cứu dự án “Thiết bị thông minh hỗ trợ phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến”.
Chia sẻ về ý tưởng, Đào Xuân Huy - học sinh lớp 11 Hóa 1, trưởng nhóm thực hiện dự án cho biết: Theo tìm hiểu, Việt Nam hiện có khoảng 200 nghìn người mắc tai biến mỗi năm. Hệ quả của tai biến để lại đối với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân rất nặng nề.
Trong khi đó, trên thị trường, đa số sản phẩm hỗ trợ điều trị phục hồi chức năng cho người hạn chế vận động sau tai biến có giá thành cao do nhập từ nước ngoài, không phù hợp thể trạng người Việt Nam. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết cho việc tạo ra sản phẩm phục hồi và tái luyện chức năng cơ bắp.
Từ thực tế trên, nhóm đã “thai nghén” ý tưởng về thiết bị tích hợp nhiều yếu tố công nghệ và kỹ thuật hiện đại hỗ trợ người bệnh phục hồi chức năng sau tai biến. Ở giai đoạn 1, dự án tập trung ứng dụng một số công nghệ làm nên sự khác biệt của sản phẩm như: Tích hợp cảm biến để thu thập tình trạng sức khỏe và vận động người dùng. Điều khiển bằng bảng điều khiển hoặc ứng dụng di động...
Về tính độc đáo của sản phẩm, Hoàng Nam Khánh - học sinh lớp 10 Hóa 1, thành viên dự án cho biết: Thiết bị có giá cả phù hợp, độ chính xác cao, liên tục cập nhật tính năng mới, dễ dàng tiếp cận và sử dụng, tùy chỉnh theo nhu cầu cá nhân, phù hợp từng bệnh nhân, giảm chi phí phục hồi chức năng.
Thiết bị góp phần hỗ trợ nâng cao hiệu quả của những phương pháp điều trị phối hợp khác, dễ dàng di chuyển và sử dụng tại nhà, giảm số lượng người bệnh cần phục hồi chức năng trực tiếp tại bệnh viện, nâng cao chất lượng phục hồi dựa theo số liệu thu thập thực tế. Để đề tài sớm đi vào thực tế, nhóm có kế hoạch phát triển và phân phối, đưa sản phẩm vươn tới thị trường quốc tế.
Đồng hành cùng học sinh từ những ngày đầu thực hiện dự án, cô Nguyễn Thùy Linh - giáo viên môn Vật lý, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: Thực hiện dự án khởi nghiệp, các em đã lên ý tưởng từ khá sớm (đầu năm 2023) và nhận được sự ủng hộ của thầy cô giáo trong trường.
Dù trong độ tuổi học sinh nhưng các em có cái nhìn sâu sắc với vấn đề nóng của xã hội là hỗ trợ quan tâm đến nhóm người yếu thế - người bị liệt sau tai biến. Đây không chỉ là ý tưởng mang tính nhân văn mà còn rất thực tế khi số lượng người bị tai biến ngày càng tăng, nhu cầu hỗ trợ phục hồi lớn.
Đạt giải Nhất trong cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2024 là niềm tự hào của thầy trò nhà trường. Từ những bước đi ban đầu, nếu tiếp tục phát triển, dự án sẽ đem lại giá trị lớn cho cộng đồng. - Cô NGUYỄN THÙY LINH