Dự án gần 250 ha nuôi hơn… 20 con bò: Đổ vỡ là không tránh khỏi!

GD&TĐ - Một dự án lớn, cần số vốn đầu tư tương xứng, tuy nhiên nhà đầu tư quá yếu kém về năng lực là nguyên nhân khiến đại dự án chăn nuôi bò nhiều kì vọng này đổ vỡ.

Sau gần 6 năm kể từ ngày chấp thuận đầu tư, dự án chăn nuôi bò trên diện tích gần 250 ha chỉ vỏn vẹn 1 dãy nhà cấp 4 với lèo tèo vài công trình dang dở
Sau gần 6 năm kể từ ngày chấp thuận đầu tư, dự án chăn nuôi bò trên diện tích gần 250 ha chỉ vỏn vẹn 1 dãy nhà cấp 4 với lèo tèo vài công trình dang dở

Như GD&TĐ đã thông tin, cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho doanh nghiệp tư nhân Gia Hân tại Ngư Hóa, Tuyên Hóa đầu tư dự án “Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt” với diện tích lên đến 244,9ha. Quy mô xây dựng trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt với số lượng thường xuyên là 3.000 con bò giống sinh sản và 2.250 con bò thịt.

Mục tiêu của dự án là nhằm xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp, tạo việc làm cho hơn 60 lao động địa phương, tạo lợi nhuận doanh nghiệp, tăng thu ngân sách và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Trên diện tích gần 250 ha, sau gần 6 năm triển khai, Dự án chăn nuôi của DN tư nhân Gia Hân cũng chỉ là vùng đất hoang hóa với các loại cây bụi
Trên diện tích gần 250 ha, sau gần 6 năm triển khai, Dự án chăn nuôi của DN tư nhân Gia Hân cũng chỉ là vùng đất hoang hóa với các loại cây bụi

Tuy nhiên, sau gần 6 năm triển khai, những gì đang diễn ra không như kỳ vọng, có thể nói là một thảm trạng. Phía trong dự án, quang cảnh đìu hiu, chỉ có một ngôi nhà nhỏ cấp 4, cùng một khu trang trại nuôi nhốt hơn… 20 con bò.  

Cho đến lúc này, dựa trên thực tế những gì đang diễn ra và thông tin “chủ đầu tư đang xin chuyển đổi dự án” từ chính quyền huyện Tuyên Hoá, từ các sở ngành của tỉnh Quảng Bình có thể khẳng định, dự án chăn nuôi bò nhiều kì vọng của nhà đầu tư DN tư nhân Gia Hân này đã chết yểu.

Với chính quyền xã Ngư Hoá, huyện Tuyên Hoá, ngành chăn nuôi của Quảng Bình, sự đổ vỡ của dự án sẽ khiến tất cả rất thất vọng. Thế nhưng, với các chuyên gia của lĩnh vực chăn nuôi bò thì sự đổ vỡ này là điều đã được báo trước.

Đổ vỡ là không tránh khỏi!

Ông Nguyễn Phương Tuân, một chuyên gia, cũng là nhà đầu tư về dự án nuôi bò khủng tại Sơn La và Gia Lai đã có những chia sẻ xung quanh sự đổ vỡ của “Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt” xã Ngư Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình.

“Không chỉ đến bây giờ báo chí thông tin, mà trước đây quá trình vào Miền Trung, trong đó có Quảng Bình để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư chăn nuôi bò, tôi có dịp nắm bắt qua dự án này. Phải nói rõ, nuôi bò hoàn toàn không dễ, và thất bại của “Trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt” xã Ngư Hoá là điều đương nhiên”- ông Tuân cho hay.

Theo phân tích của ông Tuân, một dự án chăn nuôi 5000 con bò thịt và bò sinh sản cần phải có ít nhất 200 tỷ đồng. Con số trên được xác lập trên cơ sở tổng mức đầu tư cho mỗi con bò là 40 triệu đồng, bao gồm: 25 triệu mua giống, 7 triệu cho chuồng trại, 3 triệu cho máy móc thiết bị, 5 triệu cho vốn ngắn hạn để mua thức ăn tinh và thuốc thú y, lương công nhân cho đến khi xuất chuồng và chi phí khấu hao máy móc trong vòng 10 năm.

Không đủ nguồn lực, DN tư nhân Gia Hân chỉ còn cách nuôi vài loài gia súc, gia cầm chiếu lệ
Không đủ nguồn lực, DN tư nhân Gia Hân chỉ còn cách nuôi vài loài gia súc, gia cầm chiếu lệ

Thông thường, dự án tốt thì đối tác là ngân hàng sẽ tài trợ vốn vay khoảng 40% trên tổng mức đầu tư. Như vậy với dự án của DN tư nhân Gia Hân thì vốn pháp định (vốn bắt buộc anh phải có) là khoảng 120 tỷ, số 80 tỷ còn lại chủ đầu tư có thể huy động từ ngân hàng hay các nguồn khác.

Cần một nguồn vốn lớn như thế, nhưng thật khó tin, năm 2016 thời điểm chủ đầu tư được cấp 244,9 ha đất, vốn pháp định của doanh nghiệp chỉ có… 1,9 tỷ đồng. Với số tiền đó hoặc cao hơn chút ít thì làm thế nào để doanh nghiệp triển khai theo đúng cam kết đầu tư với UBND tỉnh Quảng Bình.

“Giấy phép cấp để chăn nuôi bò, nhưng không đủ vốn thì doanh nghiệp loay hoay nuôi nhốt một ít bò tượng trưng. Gặp khó chuyển sang nuôi gà và một ít lợn rừng, trồng keo là đương nhiên thôi”- ông Tuân phân tích.

Cũng theo vị chuyên gia này, tiền không phải là tất cả để đảm bảo dự án thành công, mà người chủ dự án phải có kiến thức chăn nuôi, thú y và có đội ngũ kỹ thuật chuyên sâu. Cái này, với một doanh nghiệp yếu về lực, thiếu kinh nghiệm gặp khó khăn là điều đương nhiên.

Đặc biệt, theo ông Tuân, chủ đầu tư đỗ lỗi cho khu vực đất được cấp thiếu nguồn nước để chăn nuôi là không hợp lí. “Đối với một dự án có quy mô chăn nuôi lớn như thế thì quá trình hình thành dự án, chủ đầu tư phải khảo sát thật kỹ về môi trường có phù hợp hay không? Phải đánh giá tốt các yếu tố thì đầu tư nó mới hiệu quả”- vị chuyên gia phân tích thêm.

Chốt lại sự đổ vỡ của dự án chăn nuôi bò ngốn 244,9ha đất của xã Ngư Hoá, vị chuyên gia cho rằng, không chỉ năng lực yếu kém của chủ đầu tư mà cần phải xem xét tư duy, trách nhiệm của người cấp đất cho doanh nghiệp này ở thời điểm năm 2016!

Nếu dự án không triển khai đúng tiến độ, gây bức xúc cho chính quyền, nhân dân địa phương thì tỉnh cần thu hồi, giao cho một nhà đầu tư có thực lực, tiềm năng hơn.

Quốc Việt – Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ