Dự án cao tốc Bắc - Nam: Cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề phát triển kinh tế

GD&TĐ - Vòng sơ tuyển hồ sơ dự thầu của dự án cao tốc Bắc - Nam vừa qua ghi dấu ấn áp đảo của các nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, các nhà đầu tư Trung Quốc hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam chiếm số lượng hồ sơ lớn gấp nhiều lần. 

Đồ họa đường cao tốc Bắc - Nam
Đồ họa đường cao tốc Bắc - Nam

 Dư luận cho rằng, đây là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng quốc gia, vì vậy cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề an ninh, quốc phòng.

Nhà đầu tư ngoại áp đảo

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án thuộc Bộ GTVT, đến hết tháng 7/2019, có 51 bộ hồ sơ của các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong và ngoài nước dự tuyển bước sơ tuyển 7/8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, có tới 30 bộ hồ sơ của nhà đầu tư Trung Quốc hoặc liên danh với doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án. Số hồ sơ của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines là 15 bộ, tương đương với lượng hồ sơ của các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển. Việc số lượng doanh nghiệp, liên danh đầu tư cao tốc Bắc - Nam khá đông thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư đối với hạ tầng giao thông Việt Nam và khiến dự án có tính cạnh tranh cao.

Theo báo cáo, dự án cao tốc có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nộp hồ sơ dự tuyển nhất là Mai Sơn - QL45 với 11 nhà đầu tư. Tiếp đến là dự án Diễn Châu - Bãi Vọt có 10 nhà đầu tư. Dự án Nha Trang - Cam Lâm có số lượng nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong nước tham gia nộp hồ sơ dự sơ tuyển nhiều nhất, với 8 nhà đầu tư. Trong 8 nhà đầu tư nộp hồ sơ có 4 nhà đầu tư trong nước và 2 liên danh nhà đầu tư giữa Việt Nam - Trung Quốc. Trong 7 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), chỉ có dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn không có bất cứ nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư nào của Việt Nam nộp hồ sơ dự tuyển.

Sau khi mở thầu bước sơ tuyển nhà đầu tư, từ nay đến tháng 9/2019, cơ quan có thẩm quyền sẽ chấm điểm hồ sơ theo những tiêu chí đã công bố. Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm, năng lực về kinh nghiệm 30 điểm và phương pháp triển khai dự án 10 điểm. Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư, Bộ GTVT cho biết, sơ tuyển mới là bước đầu đánh giá chung. Quan trọng nhất là phải chọn được nhà đầu tư tốt, thực sự có năng lực. Việc đấu thầu chọn nhà đầu tư phải đúng quy định pháp luật và bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp, bảo đảm lợi ích quốc gia.

“Khe cửa hẹp” cho nhà đầu tư nội

Theo nhận định của các chuyên gia, cao tốc Bắc - Nam là dự án lớn nên nhiều nhà đầu tư trong nước quan tâm, mong muốn tham gia đầu tư để vừa có việc làm vừa chứng minh năng lực. Tuy nhiên, để nhận được gói thầu các nhà đầu tư nội sẽ phải lách qua khe cửa hẹp khi năng lực tài chính và kinh nghiệm là một cản trở lớn. Có thể thấy, rất ít nhà đầu tư trong nước đạt được điều kiện về vốn và năng lực. Điều này cũng cho thấy một thực tế diễn ra bấy lâu là cách làm ăn “chộp giật, cò con” của chủ đầu tư và nhà thầu trong nước. Các nhà thầu, kể cả các nhà thầu được coi là mạnh của Bộ GTVT trước đây cũng “vướng” vào việc chia nhỏ dự án, mua bán thầu...

Đối ngược với đó, các nhà thầu Trung Quốc thường có nhiều “chiêu trò” để vượt qua các bước đánh giá về kỹ thuật, năng lực. Tất nhiên, sau đó họ sẽ xin điều chỉnh nhiều thứ, làm chậm tiến độ, gây đội vốn, nâng tổng mức đầu tư của dự án lên gấp nhiều lần, chưa kể để lại nhiều hệ lụy về chất lượng công trình. Đây là điều “nhỡn tiền” đã xảy ra ở khá nhiều dự án đang khiến Bộ GTVT đau đầu. Điều đó cũng chứng tỏ một điều, công tác quản lý phía của ngành chức năng đang có nhiều kẽ hở để các nhà thầu Trung Quốc có cơ hội làm sai.

Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, công tác đấu thầu muốn công bằng, minh bạch cần đặt ra 4 tiêu chí, đó là công nghệ đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá cả tiết kiệm, tiến độ rõ ràng và những phát sinh về chất lượng, tài chính phải được đưa hết vào trong hợp đồng thật chi tiết, cụ thể.

Xem xét vấn đề an ninh, quốc phòng

Trước sự áp đảo của các nhà đầu tư ngoại, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, các phóng viên đã bày tỏ những lo ngại về vấn đề an ninh, quốc phòng đối với dự án giao thông huyết mạch này. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, đây là dự án đối tác công tư (PPP), theo Luật Đấu thầu phải thực hiện đấu thầu quốc tế.

Tuy nhiên, trong Luật Đấu thầu trường hợp có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, cấp thẩm quyền sẽ quyết định. Dự án đang ở giai đoạn sơ tuyển, sau đó mới chuyển sang bước đấu thầu và chính thức lựa chọn nhà thầu. Về tiêu chí đấu thầu của một số đoạn trên tuyến cao tốc Bắc Nam quá khó, khiến các nhà đầu tư trong nước bị loại, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, các đoạn tuyến có tiêu chí để bảo đảm hiệu quả cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến hồ sơ mời thầu tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Đây là tuyến đường rất quan trọng, có cả hồ sơ trong và ngoài nước tham gia dự thầu, vì vậy tinh thần chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ là đấu thầu công khai quốc tế, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực, chọn nhà thầu có năng lực.

Thủ tướng yêu cầu rà soát loại toàn bộ dự án để bảo đảm các tuyến đấu thầu có doanh nghiệp Việt Nam tham gia. “Hiện trong 654 km cao tốc Bắc Nam có 11 dự án, 3 dự án sẽ được khởi công ngay (2 dự án được khởi công vào tháng 10/2019, 1 dự án cuối quý 1 và đầu quý 2 năm 2020). 8 dự án khác sẽ được xem xét lại đoạn tuyến, vấn đề nhạy cảm đến quốc phòng an ninh, tất cả vấn đề chất lượng, an toàn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.