Đột quỵ ở người trẻ tăng 2% mỗi năm

GD&TĐ - Những năm gần đây, Việt Nam cũng như thế giới ghi nhận nhiều trường hợp mắc đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ được điều trị thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ được điều trị thành công tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Ảnh: BVCC

Theo báo cáo từ Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó, hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ, từ 15 - 49 tuổi.

Số bệnh nhân nam cao gấp 4 lần nữ

Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân V.V.L. (27 tuổi, Hải Phòng) nhập viện trong tình trạng thị lực giảm, khuyết tầm nhìn mắt phải, kèm tê bì mặt và nửa người phải.

Trước đó, bệnh nhân có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, sau khi tắm khoảng 10 phút, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như trên.

Tại bệnh viện, kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy hình ảnh nhồi máu não vùng thùy chẩm bên trái. Rất nhanh chóng, các bác sĩ đã sử dụng phương pháp điều trị thuốc tiêu sợi huyết cho người bệnh. Sau khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết 1 giờ, tình trạng mắt của người bệnh đã cải thiện 70%. Sau 3 ngày điều trị, mắt của người bệnh đã phục hồi hoàn toàn.

TS.BS Phùng Đức Lâm, Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, bệnh nhân V.V.L. có tuổi đời còn rất trẻ cùng những triệu chứng bệnh lý không rõ ràng. Rất may mắn, người bệnh đã đến bệnh viện và được phát hiện, can thiệp kịp “giờ vàng” tránh được những biến chứng đáng tiếc do đột quỵ gây ra.

Trong những năm trở lại đây, nước ta cũng như thế giới ghi nhận nhiều trường hợp mắc đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ. Theo báo cáo từ Hội Đột quỵ thế giới, mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó, hơn 16% số ca xảy ra ở người trẻ 15 - 49 tuổi.

Về con số tử vong, mỗi năm, có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người trẻ. Đáng báo động hơn, tỷ lệ tử vong do đột quỵ được dự đoán sẽ tăng 50%, từ 6,6 triệu ca năm 2020 lên 9,7 triệu ca đến năm 2050.

Trong khi đó, tại Việt Nam, số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện, độ tuổi đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Cụ thể, tỷ lệ người trẻ và người trung niên chiếm khoảng 1/3 tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Nếu như trước đây đột quỵ não thường gặp ở những người trên 60 tuổi thì hiện nay, căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa. Các yếu tố làm gia tăng ca đột quỵ và trẻ hóa thường là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu,… nhưng không được kiểm soát. Bên cạnh đó, hút thuốc, stress nặng cũng là nguyên nhân gây đột quỵ.

50% bệnh nhân trẻ đột quỵ có hút thuốc lá

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não, bao gồm bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, uống rượu bia…

Trong đó, các nghiên cứu cho thấy, khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có hút thuốc lá. Ngoài ra, người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch.

Một trong những nguyên nhân lớn nữa đó là tình trạng uống rượu bia rất cao tại Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá, mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, có hai dạng đột quỵ ở người trẻ, bao gồm đột quỵ do xuất huyết não và đột quỵ liên quan đến thiếu máu não cục bộ.

Trong đó, đột quỵ do xuất huyết não chiếm khoảng 15% các trường hợp đột quỵ. Tình trạng này xảy ra do thành động mạch xơ cứng và tạo ra vết nứt, vỡ, khiến máu bị chảy ra bên ngoài. Tình trạng đột quỵ do xuất huyết não đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

Dạng đột quỵ liên quan đến thiếu máu não cục bộ phổ biến hơn, chiếm 85% các trường hợp. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi này là do cục máu đông cản trở hoặc làm tắc nghẽn dòng máu di chuyển lên não để nuôi dưỡng các tế bào não.

Ngoài ra, còn có trường hợp đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua hay còn gọi là T.I.A là tình trạng động mạch não bị tắc nghẽn nhưng sau đó tự lưu thông (diễn tiến trong vòng 1 giờ).

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức cảnh báo, biến chứng đột quỵ ở người trẻ nói riêng cũng như di chứng đột quỵ nói chung vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Các biến chứng có thể gặp ở người trẻ bị đột quỵ có thể kể đến như: Co cứng chi, liệt tay, chân hoặc có thể liệt nửa người, liệt cả hai tay và hai chân; suy giảm khả năng vận động, không thể đi lại như bình thường; rối loạn ngôn ngữ vĩnh viễn; gặp khó khăn khi nuốt, khó nhai, thức ăn bị trào ngược lên khi nuốt hoặc mắc nghẹn trong cổ họng.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể phù não, ảnh hưởng đến dòng chảy của oxy và máu lên não, viêm phổi gây khó thở, ho có đờm, ớn lạnh, sốt….

Đột quỵ cũng gây nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu ra máu, đau rát khi đi tiểu; động kinh, co giật; huyết khối tĩnh mạch sâu; trầm cảm, lo lắng quá mức, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, cảm thấy bản thân vô dụng và là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Nặng nề hơn, người trẻ bị đột quỵ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể sống đời sống thực vật vĩnh viễn, tốn nhiều chi phí điều trị và tạo áp lực cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhiều trường hợp tử vong vì không được điều trị kịp thời.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, đột quỵ thường gia tăng khi trời lạnh và khi thời tiết thay đổi đột ngột. Do vậy, để phòng tránh, việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Nên ngủ trong phòng kín gió, luôn giữ đủ ấm cho cơ thể.

Đồng thời, cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt, vì vậy buổi sáng trước khi rời giường nên có vài động tác vận động nhẹ để làm nóng cơ thể, thích ứng với thời tiết bên ngoài. Không nên xuống giường ngay khi vừa thức dậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.