Đột phá từ chính sách giải quyết vấn đề thiếu giáo viên

GD&TĐ - Để giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu giáo viên, một số địa phương phía Nam đã và đang triển khai những giải pháp mang tính đột phá.

Học sinh Trường Tiểu học Hòa Lộc, xã Minh Hòa (Dầu Tiếng, Bình Dương). Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Hòa Lộc, xã Minh Hòa (Dầu Tiếng, Bình Dương). Ảnh: TG

Thiếu nhưng khó tuyển

Nhiều năm qua, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) luôn trong tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng. Theo thống kê, năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 560 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. So với định mức quy định của Bộ GD&ĐT huyện thiếu 247 người, trong đó 87 giáo viên.

Thiếu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nghiêm trọng nhưng những năm qua việc tuyển dụng của huyện rất khó khăn. Năm 2022, số lượng vị trí việc làm cần tuyển cho ngành Giáo dục là 114 người, tuy nhiên số lượng đăng ký dự tuyển chỉ có 11 thí sinh. “Huyện có trên 70% giáo viên từ nơi khác đến. Hằng năm, số giáo viên xin chuyển trường từ 20 - 30 trường hợp.

Nguyên nhân do thầy cô xa quê lâu năm, xin về phụng dưỡng cha mẹ tuổi già. Có trường hợp giáo viên trẻ chuyển đến thành phố lớn để tăng thu nhập. Việc tuyển dụng giáo viên hằng năm chỉ đạt 10%, trong khi số lượng xin chuyển, nghỉ nhiều khiến huyện thường xuyên trong tình trạng thiếu nhân lực”, ông Tiết Minh Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển chia sẻ.

Theo tổng hợp của Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh thiếu hơn 1.600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên 4 cấp học so với định mức Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (gọi tắt là Thông tư 16).

Năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của tỉnh cho ngành Giáo dục là 772 chỉ tiêu nhưng tỷ lệ trúng tuyển chỉ đạt 28%. Năm 2023 nhu cầu tuyển dụng 460 chỉ tiêu, tỷ lệ trúng tuyển đạt 31%. Nguyên nhân chỉ tiêu tuyển dụng đạt thấp bởi thí sinh đăng ký nhiều nơi nhưng không tham gia tuyển dụng. “Đối với các môn học theo Chương trình GDPT 2018, số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của địa phương.

Các vị trí còn thiếu như: Giáo viên mầm non, Tiếng Anh, Tin học... số lượng đăng ký ít do nguồn tuyển hạn chế. Các môn Văn, Toán, Lý, Hóa số lượng đăng ký nhiều nhưng nhu cầu tuyển dụng lại ít nên tỷ lệ cạnh tranh cao”, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau cho biết.

Không riêng tỉnh vùng sâu, xa như Cà Mau, nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước cũng rơi vào cảnh thiếu cán bộ, giáo viên, nhân viên nhưng khó tuyển. Thông tin từ ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân nhập cư, nhất là công nhân lao động nên tốc độ tăng học sinh hằng năm lớn.

Theo đó, mỗi năm tỉnh Bình Dương tăng khoảng 20 nghìn em, dẫn đến số lượng giáo viên, cơ sở vật chất khó đáp ứng. Hiện tại, việc tuyển giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là với nhân sự dạy chương trình mới.

“Nhiều năm gần đây, không phòng GD&ĐT nào ở Bình Dương tuyển được 50% chỉ tiêu đề ra, do không có nguồn tuyển. Tuyển thì khó nhưng giáo viên xin nghỉ lại nhiều, nhất là cấp học mầm non (do áp lực công việc lớn, mức lương thấp so với lương tối thiểu vùng). Dù tỉnh đã có chế độ, chính sách hỗ trợ hằng tháng cho giáo viên mầm non tuyển dụng mới nhưng vẫn không thu hút được người dự tuyển”, ông Phong chia sẻ.

Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển đang thiếu nhiều giáo viên. Ảnh TG

Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển đang thiếu nhiều giáo viên. Ảnh TG

Giải pháp tháo gỡ

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, phần lớn địa phương chỉ áp dụng giải pháp tình thế như khuyến khích, động viên, hạn chế cho giáo viên xin chuyển công tác, nghỉ việc; tổ chức giáo viên dạy liên trường; thỉnh giảng, hợp đồng thêm... Gần đây, một số tỉnh đã xây dựng triển khai giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài nhằm tạo bước đột phá, tiến đến giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên.

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương cho biết, sở GD&ĐT đang phối hợp sở Nội vụ điều chỉnh, bổ sung một số chế độ, chính sách ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2019 của HĐND tỉnh Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương nhằm thu hút và giữ chân đội ngũ giáo viên.

Trong đó, tỉnh điều chỉnh bổ sung chính sách đối với các đối tượng như: Giáo viên mầm non, bộ môn và viên chức phụ trách thư viện cấp tiểu học; giáo viên môn Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS, THCS và THPT, giáo viên môn Tiếng Anh các cấp học, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội cấp tiểu học và THCS. Đáng chú ý, ngành còn bổ sung chế độ hấp dẫn để thu hút nhân lực cao.

“Đối với tiến sĩ được hưởng chế độ 200 triệu đồng, thạc sĩ 150 triệu đồng, trình độ đại học 100 triệu đồng, trung cấp và cao đẳng 50 triệu đồng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị sở Nội vụ xem xét, bổ sung chế độ hỗ trợ thuê nhà đối với giáo viên về công tác trong ngành GD-ĐT; bởi hiện nay thu nhập của giáo viên thấp, nếu phải lo tiền thuê nhà nữa sẽ khó để thu hút giáo viên bên ngoài về”, ông Phong cho hay.

Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu thông tin, sở đang xây dựng kế hoạch tuyển dụng khoảng 180 giáo viên, đồng thời vận dụng các chính sách thu hút nguồn nhân lực chung để hỗ trợ thầy cô về công tác tại địa bàn vùng sâu, xa trong tỉnh, hạn chế giáo viên chuyển công tác hoặc xin nghỉ.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên tồn tại lâu năm, Sở GD&ĐT Cà Mau cũng phối hợp với các trường đại học trong khu vực rà soát, thống kê số sinh viên đang học ngành sư phạm hoặc ngành gần (có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm) làm cơ sở xây dựng kế hoạch tuyển dụng thời gian tới;

Tiếp tục tham mưu cấp thẩm quyền ban hành kế hoạch đặt hàng đào tạo giáo viên các môn học mới Chương trình GDPT 2018; Rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu, đồng thời động viên, khuyến khích, hỗ trợ giáo viên (đối với những môn thừa) tham gia đào tạo văn bằng 2 (đối với những môn thiếu).

“Chúng tôi đang làm quy trình xây dựng chính sách tham mưu cấp thẩm quyền ban hành nhằm thu hút nguồn giáo viên còn thiếu ở địa phương. Với chính sách vừa nêu, cộng với chính sách tiền lương mới từ tháng 7/2024, hy vọng sẽ có nhiều học sinh đăng ký học sư phạm để về phục vụ quê hương, hạn chế việc giáo viên xin chuyển công tác, nghỉ việc. Tình trạng thiếu giáo viên theo đó sẽ giảm những năm học tới”, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...