(GD&TĐ) - Chiều đông về, mang theo cái lạnh thấu vào da thịt và cùng với nó là những sợi khói mỏng manh bay từ đâu về làm sống mũi tôi cay cay, nồng nồng và nhớ về bếp lửa quê của người mẹ nghèo đã sưởi ấm tuổi thơ tôi.
Tuổi thơ tôi lớn lên bên bếp lửa của mẹ. Suốt bốn mùa dài, tôi tuy nhỏ nhưng cũng mang máng hiểu được bếp lửa có vai trò rất quan trọng trong mỗi ngôi nhà, là nơi hội tụ sức sống của cả gia đình. Mẹ vẫn thường bảo chúng tôi: Trong mỗi ngôi nhà, cần phải có ngọn lửa để duy trì sự sống và mẹ tôi, người phụ nữ quanh năm bán lưng cho trời ấy đã là người giữ lửa ấm cho mái nhà bình yên của chúng tôi. Bên bếp lửa, mỗi chiều về, lửa reo tí tách đến vui tai, cả nhà đi làm đồng về, mẹ lại nhóm lửa làm cho không gian thêm ấm áp. Và rồi khi ấy, cả nhà lại quây quần bên bếp lửa để trò chuyện, để nấu ăn và sum họp. Vào những chiều đông, cái lạnh thấu xương làm cho ai ai cũng phải suýt soa trong rét mướt và thế là bếp lửa lại là người bạn sưởi ấm, tan đi cái lạnh.
Ảnh MH |
Bên bếp lửa, mẹ nấu ăn hàng ngày. Những món ăn bình dị mà đậm đà chất quê được mẹ nấu trên chiếc kiềng đỏ lửa. Nồi cơm ngày mùa được mẹ vùi kín vào tro bếp nóng hồng làm cho hạt gạo thêm dẻo thơm. Mẹ bảo: Cơm nấu bếp củi phải vùi kín như thế mới chín kỹ và không cháy.
Bên bếp lửa, những con mắt ngây thơ đen láy của chúng tôi ngồi hơ tay và nghe bà kể sự tích ba ông đầu rau. Khi ấy, chúng tôi chỉ biết nghe mà chưa hiểu điều gì. Chỉ biết nghe bà nói rằng, trong mỗi ngôi nhà, dù giàu hay nghèo cũng phải có cái kiềng, có ngọn lửa để tạo ra sự sống của mỗi gia đình. Vì thế, cho đến nay, chúng tôi mới hiểu vì sao qua bao năm, mẹ tôi vẫn giữ chiếc kiềng dài bốn chân để đun củi mặc dù đã có bếp ga.
Bên bếp lửa, ngọn lửa trong bếp của mẹ không ngày nào tắt. Nhất là vào những ngày mùa đông. Mẹ và những người dân quê tôi thường có tục giữ lửa. Chỉ cần một cây gỗ to đã mục châm lửa đốt là có thể giữ được ngọn lửa cháy âm ỉ ngày này qua ngày khác. Ban ngày cả nhà đi làm, lửa đọng lại bằng than hồng, khi cả nhà đi làm về chỉ cần đưa que đóm vào là lại có thể thổi bùng lên ngọn lửa và bếp lửa lại cháy sáng.
Bên bếp lửa, than hồng rực, chúng tôi nướng những củ khoai, củ sắn, củ từ đào được trên nương. Chỉ cần đúc củ vào các lớp than hồng một lúc là có được món ăn khoái khẩu rồi. Mặt đứa nào đứa nấy nhọ nhem mà vui biết mấy. Ngày ba mươi tết, cha tôi gói bánh chưng vào đặt nồi gang to lên kiềng nấu bánh. Chúng tôi vui sướng biết mấy khi được giao nhiệm vụ trực bếp. Mấy chị em trải chiếu nằm ngay cạnh bếp lửa và ngủ quên lúc nào không biết. Lửa trong bếp cứ reo tí tách, tí tách.
Năm cấp hai, tôi học bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt. Trao ôi ! sao thân thương và gần gũi đến vậy. Tuổi thơ tôi là ở đó, hiện thực và thơ ca sao gần nhau thế. Và tôi cũng hiểu rằng, tuổi thơ của Bằng Việt cũng lớn lên bên bếp lửa hồng và tình yêu thương của người bà thuở nào. Từ đó, tôi càng thêm yêu bà và bếp lửa của gia đình mình biết bao nhiêu.
Những buổi chăn trâu ngoài bãi, chúng tôi cũng rủ nhau nhặt củi khô, gom lại và tạo thành bếp lửa tuy không có kiềng như ở nhà. Hình như chúng tôi không muốn xa hình ảnh thân thương ấy, hình như chúng tôi muốn bếp lửa luôn ở bên mình. Mỗi buổi chiều dù đi học hay đi chăn trâu, về đến đầu làng, chúng tôi đã nhìn thấy khói bếp nhà mình đang bay lơ lửng trên mái rạ. Thấy thương, thấy yêu và thấy nhớ đến lạ thường. Ở đó, người mẹ quê của chúng tôi lại đang nhen nhóm lên tình yêu thương bằng những điều giản dị nhất mà tuổi thơ chúng tôi được hưởng trọn.
Xa quê, đến những miền đất khác nhau, cứ chiều về, không hiểu do hiện thực hay từ cõi lòng mình, vị cay nồng của khói bếp ở đâu cứ len lỏi đến lấn chiếm cảm xúc của tôi. Vị khói quen thuộc làm lòng tôi se ấm lại và nỗi nhớ quê, những kí ức tuổi thơ không thể nào phai mờ cứ dần gọi về ngọt ngào, thiêng liêng và ấm áp.
Nguyễn Thế Lượng