Luật thì đã có nhưng văn bản hướng dẫn thì chưa khiến người chuyển giới như đứng ở ngã ba đường. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của người thân, gia đình, xã hội càng đẩy họ vào bóng tối với những hiểm họa luôn rình rập.
Mới được công nhận… trên giấy
Đồng tính luyến ái được sử sách ghi lại từ lâu. Theo đó, ở Việt Nam, Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác đều có người đàn ông không thích phụ nữ, chỉ thích đàn ông cho dù họ vẫn có vợ. Những người này được gọi chung một tên là… không có khả năng hoặc sức khỏe yếu. Tổ chức Y tế thế giới cũng loại trừ đồng tính ra khỏi danh mục bệnh cần điều trị và coi đồng tính, chuyển giới là yếu tố bẩm sinh.
Ngày nay, đồng tính rồi chuyển giới được nhắc tới nhiều hơn một phần do nhiều quốc gia công nhận giới tính thứ 3, thậm chí cả hôn nhân đồng giới. Đây là cơ hội để nhóm người này công khai giới tính thật của mình cũng như được sống đúng với con người, tính cách của mình.
Theo thống kê sơ bộ của Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam có khoảng 250.000 - 450.000 người thuộc nhóm đồng tính, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Cho dù lịch sử đã ghi lại sự tồn tại song song của nhóm người này với hai giới tính còn lại cũng như luật pháp đã quy định nhưng họ vẫn gặp phải nhiều rào cản trong cuộc sống, trong đó rõ nhất là sự kỳ thị của cộng đồng.
Thiệt đủ đường
Trở về con người thật của mình là mong muốn của tất cả người đồng tính. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ can đảm, điều kiện để thực hiện chuyển giới nên đành chấp nhận cuộc sống trong nam ngoài nữ hoặc ngược lại.
Cũng có người chấp nhận mọi rủi ro để được sống như con người mình mong muốn, họ đã âm thầm đi chuyển giới, chấp nhận dùng hormon trọn đời.
Do các bệnh viện ở Việt Nam chỉ chuyển giới cho người được xác định bị tăng sản thượng thận bẩm sinh còn người đồng tính chưa biết làm ở đâu nên phần lớn họ đều thực hiện phẫu thuật ở nước ngoài.
Theo Tú Anh, một người chuyển giới tại Hà Nội, đau đớn do phẫu thuật chỉ là một phần. Nguy hiểm hơn là bệnh tật luôn rình rập rồi việc chích hormon hàng ngày nhưng không biết chất lượng thuốc đến đâu bởi mọi thứ đều làm… chui.
Ngoài ra, do việc phẫu thuật kéo dài trong nhiều năm nên cơ thể chỗ nam chỗ nữ khiến bản thân họ mặc cảm rồi khi quan hệ cũng không bình thường (đường miệng hoặc hậu môn) cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Hoặc khi có bệnh muốn đi khám cũng chẳng biết đến đâu vì cơ thể mỗi chỗ một khác trong khi Việt Nam lại chưa có phòng khám nào dành riêng cho nhóm người này.
Theo TS Nguyễn Thụy Vân - Chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử đã tác động nhiều đến khả năng tiếp cận và chọn lựa sử dụng dịch vụ y tế của nhóm người đồng tính.
Phần đông họ cảm thấy ái ngại, nhiều khi là cảm giác sợ khi phải đến các cơ sở y tế. Trong khi nhu cầu được chăm sóc y tế của nhóm người này lại khá cao.
Tại Việt Nam, hiện chưa có cơ sở y tế nào thực hiện phẫu thuật chuyển giới hoàn chỉnh. Do vậy, người có nhu cầu chuyển giới thường sang các nước lân cận như Thái Lan để thực hiện phẫu thuật và khi có nhu cầu điều trị sau phẫu thuật họ lại tiếp tục bay sang Thái Lan.
Chuyển giới nữ sang nam phải uống thuốc tăng cơ, vitamin A, còn chuyển từ nam sang nữ phải tiêm hormon mỗi tuần một lần, việc thường xuyên sử dụng, thực hiện các thủ thuật y tế những không phải lúc nào cũng được tư vấn, hướng dẫn đúng cách về phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tạo nên các rủi ro tiềm ẩn.
Theo nghiên cứu của Golub and Garamel năm 2013, kỳ thị liên quan đến HIV được xác định là rào cản ngăn nhóm đồng tính và phụ nữ chuyển giới đi xét nghiệm HIV.