Dòng tin nhắn cho ngày 20/11 đặc biệt…

GD&TĐ - Tôi theo nghề và trải qua hơn 20 lần kỉ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Vậy mà năm nay, những học trò cũ của tôi lại bắt đầu “về nguồn” bằng dòng tin nhắn xin phép được ghé thăm cô…

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

22h khuya ngày 12/11, điện thoại báo. Mở Zalo có tin nhắn “Cô ơi, gần đến ngày 20/11, chúng em xin phép được ghé thăm cô được không ạ”. Một cảm giác xúc động rung lên. Những ngày sống giữa đại dịch Covid – 19 , “dòng tin nhắn” cũng khác hơn bao ngày Nhà giáo đã đi qua trong cuộc đời làm nghề.

Các em vẫn mong chờ một ngày 20/11 của năm để cô trò được hàn huyên. Một năm cả cô và trò cuốn theo vòng xoáy công việc, học tập, gia đình, bạn bè. Hẹn nhau tháng 11 trong năm là một phần trong hành trình cuộc sống của rất nhiều thế hệ học trò của tôi và những đồng nghiệp.

Nhưng cái lẽ thường tình ấy, năm nay lại khác đi. Các em muốn hỏi ý kiến cô, bởi lẽ “con Covid” khiến các mối quan hệ giao tiếp cũng phải đắn đo, cân nhắc, ngại ngần. Ý thức an toàn cho bản thân. Lo an toàn cho cô khi gặp lại…

Một năm qua rồi, thèm lắm những cái ôm ấm áp với không khí rộn rã của bao thế hệ học trò mình đã đón đưa. Thèm được nghe giọng cười tươi vui, dành nhau kể cho cô nghe những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống sinh viên, của công việc làm thêm, của đứa em gái em trai ngày xưa cô hay hỏi han.

Còn các em, gặp cô để ngắm xem cô ốm hay mập hơn mà tranh nhau dặn dò, trêu đùa. Gặp cô để nhìn xem mái tóc cô bây giờ sợi bạc có nhiều hơn năm ngoái. Dành nhau để được ngồi gần cô, để được cô hỏi thăm đầu tiên. Những giỏ hoa tươi tỏa hương ngát vị cũng thấy mình như dư thừa trong căn phòng ngập tràn hạnh phúc của bao thế hệ mầm xanh đã được vun trồng giờ gặp lại người gieo hạt.

Ngày 13/11, Nguyên - sinh viên năm thứ tư của trường ĐHSP Đà Nẵng nhắn “Cô ơi, sáng mai chủ nhật em và Long ghé thăm cô nhé. Sáng chủ nhật để được nói chuyện với cô lâu hơn vì cô không lên lớp”.

Những dòng tin nhắn làm cô ấm lòng trong những ngày dịch dã. Nhưng cô hẹn các em khi thành phố đã sạch bóng Covid. Cô trò sẽ gặp nhau vào một ngày trời thật xanh, thật trong. Lúc ấy, chúng ta tha hồ tíu tít, hàn huyên chuyện trò. Chắc chắn trong câu chuyện sẽ không thể thiếu kí ức của những ngày cả thành phố thân yêu của chúng ta đã mạnh mẽ, đồng lòng vượt qua đại dịch.

Vậy là, 20/11, cô và trò không gặp nhau. Thay vào đó, điện thoại của cô tin nhắn liên hồi. Những khuôn mặt thân thương của học trò cũ lại hiện ra trong tâm trí. Hạnh phúc dâng đầy khi cô học trò cũ - giờ cũng đứng trên bục giảng - dặn dò “Cô giữ gìn sức khỏe nhé”.

Lòng rưng rưng khi Oanh - cô bé nhỏ nhắn, rụt rè gửi cô “Bệnh dạ dày có đỡ không cô? Cô nhớ ăn sáng đầy đủ nghe”.

Không có những đóa hoa tươi, không có những cái ôm ấm áp. Nhưng tôi tin rằng, những dòng tin nhắn của bao thế hệ học trò sẽ là món quà tinh thần vô giá cho tất cả những người đưa đò qua sông. Bởi suy cho cùng, vật chất chỉ là sự tồn tại hữu hạn theo thời gian. Chỉ có món quà tinh thần trở thành một phần của kí ức, của tâm hồn mà chúng ta luôn và sẽ mang theo trong suốt hành trình gieo hạt kiến thức.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay còn nhiều cái hẹn bỏ ngỏ. Những cái hẹn của yêu thương, nghĩa tình sẽ lưu giữ cho đến ngày chúng ta đẩy lùi dịch bệnh, được hội ngộ trong an toàn, tươi vui với những cái ôm thật chặt...

Đà Nẵng, ngày 15/11/2021. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ