Nâng cao cả lượng và chất
Năm học 2022-2023, thầy và trò trường THCS xã Yên Thành, huyện Yên Bình, Yên Bái vui mừng phấn khởi khi đón nhận danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 giai đoạn 2020-2025. Đây cũng là ngôi trường cuối cùng của huyện Yên Bình hoàn thành công tác xây dựng chuẩn Quốc gia.
Nâng tổng số 52/52 trường trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%, về đích trước 2 năm so với kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Bình lần thứ XXIII.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình chia sẻ: “Trên cơ sở các thông tư của Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT huyện Yên Bình đã triển khai và xác định mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục các đơn vị trường. Đồng thời, lập kế hoạch cải tiến, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động; công khai thực trạng, chất lượng giáo dục của từng trường để các cơ quan quản lý nhà nước và toàn xã hội đánh giá, công nhận hoặc không công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục.”
Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia nên chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực: Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học đạt trên 98,5%, tỷ lệ huy động trẻ ra nhóm, lớp đạt 27,6%, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 95,1%, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 100%. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng đặc biệt khó khăn và các vùng thuận lợi dần được thu hẹp.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh giỏi tăng 5,9%. Học sinh giỏi cấp tỉnh tăng 0,43% so với cùng kỳ năm học 2022-2023. Các hoạt động TDTT cũng đạt được kết quả đáng khích lệ.
Thành công nhờ sự đồng thuận
Xác định xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là chủ trương lớn mang tính chiến lược của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, đưa nội dung xây dựng trường chuẩn vào Nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, vào quy hoạch tổng thể phát triển địa phương qua từng giai đoạn. Mọi nguồn lực được quan tâm, đầu tư, nhiều chính sách được ra đời trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Bình cho biết thêm: "Trên cơ sở chỉ tiêu hàng năm, ngành GD&ĐT huyện Yên Bình đã tổ chức rà soát, sắp xếp lại hệ thống trường lớp, đội ngũ của ngành, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là đối với các trường trọng điểm, các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, đối chiếu các tiêu chí trường đạt chuẩn theo thông tư của Bộ GD&ĐT đối với từng trường, từng cấp học, kịp thời tham mưu cho UBND huyện đầu tư kinh phí và chỉ đạo thực hiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng các nhà trường theo tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Ông Hoàng Minh Sỹ, Hiệu trưởng trường TH&THCS xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình cho rằng: “Để nâng cao chất lượng dạy và học, trước tiên chúng tôi xác định phải nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong nhà trường. Do đó, 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn. Thực hiện tốt các phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn cho học sinh”.
Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là yêu cầu tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các giải pháp của ngành GD&ĐT, rất cần sự chung sức đồng lòng của các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.