Theo thống kê, tỉnh Đồng Tháp có hơn 258.000 học sinh tham gia học trực tuyến, trong đó có gần 92.000 học sinh không đủ điều kiện để tham gia hình thức học tập này.
Với phương châm tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, UBND tỉnh yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương quan tâm, rà soát và vận động các nguồn lực để hỗ trợ, đảm bảo cho tất cả học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến, thích ứng với điều kiện dịch bệnh Covid-19.
"Tất cả phải dành cho các em học sinh sự quan tâm nhiều hơn nữa, vì sự nghiệp trồng người, vì tương lai. Có như vậy, việc dạy và học mới không bị gián đoạn, đứt gãy, các em mới không tụt lại phía sau", ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh,
Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa, đề nghị các bậc phụ huynh học sinh quan tâm, theo dõi sát việc học của con em mình; bản thân học sinh cũng phải phát huy truyền thống hiếu học, vượt khó, nêu cao tinh thần tự giác trong học tập, sẵn sàng tâm thế với các hình thức học tập mới.
Để đảm bảo cho học sinh khó khăn được hỗ trợ trang thiết bị học trực tuyến, các địa phương kêu gọi vận động theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”, huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho học sinh.
Tại huyện Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp), hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện đã vận động được trên 550 triệu đồng và đã hợp đồng mua thiết bị điện thoại thông minh để hỗ trợ cho học sinh lớp 9 và lớp 12.
Huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) cũng tiếp nhận hơn 281 triệu đồng (kể cả hiện vật) từ các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong và ngoài huyện ủng hộ để trang bị cho các em học trực tuyến trong năm học mới.
Trong dịp kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường THCS Thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười), Trường THCS Phú Thọ (huyện Tam Nông), Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp động viên, trao tặng thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 huyện.