Đồng Tháp đẩy mạnh sáp nhập trường lớp đáp ứng đổi mới, nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Ngành GD Đồng Tháp rà soát, sắp xếp tinh gọn trường, lớp tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trường học khang trang đón học sinh sau khi sát nhập.
Trường học khang trang đón học sinh sau khi sát nhập.

Mạng lưới trường, lớp tại một số địa phương tỉnh Đồng Tháp vẫn còn tồn tại nhiều điểm lẻ, quy mô trường còn nhỏ… chưa phù hợp so với điều kiện phát triển kinh tế xã hội chung.

Nguyên nhân chính chủ yếu là do khi xây dựng trước đây, tỉ lệ học sinh/lớp còn thấp, khoảng cách giữa các trường gần mặc dù điều kiện giao thông tương đối thuận lợi.

Sáp nhập trường mới cho năm học mới

Bà Ngô Thúy Anh, Trưởng phòng, Phòng GDMN - TH (Sở GD&ĐT) cho biết: Thực hiện chủ trương của tỉnh, ngành giáo dục tổ chức rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô trường, lớp các cấp học trên địa bàn huyện, thành phố nhằm tinh gọn lại bộ máy, biên chế, giảm đầu mối trường, lớp, thu gọn lại các điểm trường theo nguyên tắc thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương.

"Các điểm trường lẻ đã được dồn ghép, sáp nhập vào các điểm trường chính. Nhờ đó, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tại một số trường được đầu tư tập trung, sử dụng hiệu quả hơn, học sinh từ điểm trường về học ở trường chính đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”, bà Thuý Anh cho biết.

Do đó, việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục đã tạo nên một diện mạo mới, tinh gọn và hiệu quả hơn.

Thời gian qua, Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu địa phương quy hoạch mạng lưới phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em, đảm bảo các yêu cầu, điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Các trường có nhiều điểm trường và quy mô nhỏ được sắp xếp giảm dần theo lộ trình. Kết quả năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh giảm 45 điểm trường mầm non và giảm 13 trường tiểu học.

Tại huyện Châu Thành tỉnh Đồng Tháp, công tác rà soát, sáp nhập, hợp nhất các cở sở giáo dục trên địa bàn được triển khai mạnh mẽ. Tính từ đầu năm 2022 đến nay trên địa bàn huyện đã rà soát và sáp nhập được 6 trường thành 3 trường.

Ông Ngô Văn Rảnh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành khẳng định: Việc thu gọn, sáp nhập các điểm trường không chỉ giúp đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng tốt các điều kiện cho hoạt động dạy và học của thầy, trò ở các trường. Đồng thời, cũng đảm bảo tính công bằng trong việc thừa hưởng giáo dục của các em học sinh.

Đặc biệt, việc sáp nhập trường lớp giúp khắc phục được những bất cập trong phân công giáo viên, phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên, nhất là đối với các môn học: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục… Bên cạnh đó, việc sáp nhập các điểm trường cũng giúp tập trung nguồn lực của Nhà nước và nhân dân trong việc đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo tốt việc dạy và học của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Học sinh khối lớp 1 tại Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp

Học sinh khối lớp 1 tại Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp

Sẵn sàng cho năm học mới

Ông Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tiền thân của trường trước đây là Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ 1 và Trường Tiểu học Cái Tàu Hạ 2, nhà trường lo ngại nhất là vấn đề tuyển sinh đầu cấp năm học mới, mặc dù đã có những quy định và hướng dẫn của ngành giáo dục nhưng một bộ phận phụ huynh vẫn tìm cách “chạy trường, chạy lớp”.

Từ tháng 8/2023 trường Tiểu học Cái Tàu Hạ được thành lập trên cơ sở hợp nhất, việc phân bổ số lượng học sinh, giáo viên cũng như cơ sở vật chất của trường đã đi vào ổn định. Ngày 21/8, nhà trường đã đón các em học sinh khối lớp 1 tựu trường theo năm học mới.

"Để đảm bảo công tác sẵn sàng đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ hè, nhà trường chủ động trong công tác triển khai đến giáo viên và phụ huynh thông qua kết nối online. Đồng thời tổ chức vệ sinh trường, lớp được sạch sẽ, khang trang phối hợp với bộ phận Y tế kiểm tra và tuyên truyền, đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong trường học, sẵn sàng đón các em vào năm học mới." - ông Xuân nói.

Theo cô Tạ Thị Cẩm Thu, giáo viên Nhà trường, công tác chuẩn bị đầu năm học mới khi trường vừa sáp nhập có những khó khăn như: Sự lo lắng về số lượng học sinh lớp 1 có thể quá đông hoặc không đồng đều, sự phối hợp từ quý phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cô nhìn nhận việc sáp nhập điểm trường tạo nhiều thuận lợi trong công tác hoạt động chuyên môn.

Hiện, ngành giáo dục và các địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát để sắp xếp, thu gọn, sáp nhập các điểm trường cần thiết theo như lộ trình đã đề ra, đặc biệt là tiếp tục đầu tư xây dựng để mở rộng trường ở những nơi có điều kiện; nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất để giữ chuẩn và nâng chuẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.