Đồng Tháp chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ trong trường học

GD&TĐ - Trước diễn biến của bệnh đau mắt đỏ, Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã triển khai các giải pháp phòng dịch bệnh toàn diện.

Chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ trong trường học (ảnh minh hoạ).
Chủ động phòng dịch bệnh đau mắt đỏ trong trường học (ảnh minh hoạ).

Tăng cường tuyên truyền phòng bệnh

Trong những ngày gần đây, số ca mắc bệnh đau mắt đỏ trong cả nước có xu hướng gia tăng. Ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp cũng đã triển khai các giải pháp phòng, chống dịch toàn diện.

Nhiều trường học trên địa bàn duy trì và kích hoạt hệ thống phòng dịch ở mức độ cao, nhằm hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến học sinh, cũng như đến công tác giảng dạy của các trường.

Ông Nguyễn Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho hay: Ngay khi tiếp nhận thông tin từ trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn Tỉnh.

Sở đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với ngành Y tế và các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, các biện pháp, đảm bảo phòng bệnh đau mắt đỏ.

Các cơ sở giáo dục cần tổ chức vệ sinh trường học, thường xuyên vệ sinh bàn ghế, đồ chơi, đồ dùng học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường, bên cạnh đó, cung cấp xà phòng, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay đầy đủ đảm bảo công tác phòng, chống dịch được an toàn, hiệu quả. Với các trường hợp đau mắt đỏ ghi nhận tại trường học cần cách ly để hạn chế lây lan, ông Ngợi nói thêm

Theo Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh.

Đây tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng.

Tuy nhiên bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này.

Đặc biệt tại những môi trường đông người như trường học, công tác phòng, chống dịch bệnh càng phải được đề cao hơn bao giờ hết với các phương án sẵn sàng ứng phó nhằm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy và học của nhà trường.

Đồng Tháp đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đến lớp.

Đồng Tháp đồng bộ giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh đến lớp.

Chủ động ứng phó từ cơ sở

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hiệp, Hiệu trưởng Trường TH Mỹ Hòa 1 (Huyện Tháp Mười) chia sẻ: Ngay khi nhận được chỉ đạo từ cấp trên, nhà trường đã chủ động phối hợp với bộ phận y tế trong công tác tuyên truyền đến phụ huynh, học sinh về bệnh đau mắt đỏ từ đó để gia đình và các em biết cách phòng ngừa và tránh lây lan thành dịch.

Ngoài ra, nhà trường trang bị các thiết bị, đồ dùng y tế như: bố trí khẩu trang y tế; nước sát khuẩn nhằm hạn chế sự lây nhiễm nếu có trường hợp mắc phải, thông tin kịp thời về tài liệu tuyên truyền bệnh đau mắt đỏ do ngành y tế cung cấp, cũng như phối hợp cùng phụ huynh, nếu con em mắc phải bệnh Đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị kịp thời, không cho trẻ đến trường tránh lây lan thành diện rộng.

Còn ở Trường Tiểu học Thị trấn Lấp Vò 1, Thầy Nguyễn Thanh Phụng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để ứng phó với các dịch, bệnh trong trường học, Nhà trường đã tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trong trường học, tăng cường trách nhiệm và phần công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo.

Tổ chức tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, ngăn chặn kịp thời dịch truyền nhiễm không để xâm nhập vào các lớp học trong nhà trường.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang...

2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghỉ bị bệnh đau mắt đỏ.

5. Người bệnh hoặc người nghỉ bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ