Đồng phục phải đồng lòng, minh bạch

Đồng phục phải đồng lòng, minh bạch

(GD&TĐ) - Có lẽ không ít người thắc mắc, vì sao một chuyện nhỏ như đồng phục học sinh mà hầu như năm nào cũng làm dậy sóng dư luận mỗi đầu năm học mới?

Mẫu đồng phục cần đơn giản, phù hợp lứa tuổi
Mẫu đồng phục cần đơn giản, phù hợp lứa tuổi
 

1.Vào năm học mới, bất cứ phụ huynh nào cũng có thể không tiếc bỏ ra một khoản tiền lớn hơn để cho con em được xúng xính trong bộ quần áo mới đến trường. Thế nhưng sao họ vẫn băn khoăn, không cảm thấy thoải mái khi chi tiền cho nhà trường may đồng phục cho chính con em mình?

Có hiện tượng một số học sinh, buổi sáng đến trường còn trong bộ đồng phục tinh khôi, tan học ra khỏi trường đã “lột xác” thành quần jean, áo bó hay váy hoa lộng lẫy. Với các em, mặc đồng phục có vẻ là một sự khó khăn, gượng ép!

Chuyện nhỏ lại hóa lớn, câu trả lời chính là ở chỗ chưa có sự đồng lòng thực sự. Nhà trường chưa đồng lòng thực hiện nghiêm túc các quy định từ trên; phụ huynh chưa đồng lòng, đồng thuận với nhà trường. Đặc biệt, các em học sinh dường như bị nằm ngoài cuộc trong khi chính các em mới là người khoác lên mình bộ đồng phục.

2. Năm 2009, Thông tư quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của HSSV đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Nhưng mới đây, chính Bộ GD&ĐT cũng nhận định, một số địa phương, nhà trường tổ chức may đồng phục cho HSSV chưa đúng theo quy định nói trên, gây phiền hà, tốn kém cho gia đình HSSV và bức xúc trong dư luận xã hội.

Đầu năm học mới này, Bộ GD&ĐT tiếp tục ra văn bản chỉ đạo và triển khai việc mặc đồng phục của HSSV. Trong đó quy định rõ việc may mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đặc biệt, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục hàng ngày đến trường. Và, ở những nơi có điều kiện, đồng thời Ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị, học sinh chỉ cần mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp.

Mẫu đồng phục cũng được quy định rõ phải đơn giản, phù hợp với lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may, phù hợp với quy định. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục theo mẫu của trường. Tuyệt đối không tự ý thay đổi mẫu đồng phục; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học...

Có thể thấy, văn bản của ngành trong câu chuyện đồng phục đã nhấn mạnh đến vai trò, tiếng nói của phụ huynh học sinh. Thế nhưng, thực tế, không ít trường, phụ huynh chưa thực sự được tôn trọng. Bộ đồng phục họ bỏ tiền ra mua cho chính con em mình nhưng lại hoàn toàn bị động về cả kiểu dáng, chất liệu, đặc biệt là giá cả. Trường “phán” là phải theo. Và do nhà trường tự độc diễn, không có sự bàn bạc, trao đổi trước nên không thể mong nhận được đồng thuận từ tất cả phụ huynh. Chuyện vì thế mà thành lùm xùm.

z
Đồng phục cũng góp phần tạo nên "thương hiệu" mỗi trường

3. Nhiều ý kiến cho rằng, câu chuyện này một phần có lỗi của phụ huynh, vì thói quen ít phản biện, vì ngại, vì sợ... Vì vậy, có một cách là đả thông tư tưởng, để từ nắm chắc quy định, mỗi phụ huynh biết rõ được quyền của mình; từ đó tự tin và kiên quyết không làm những việc trái với quy định; đồng thời sẵn sàng dám đối mặt với giáo viên chủ nhiệm, thậm chí là Ban giám hiệu nhà trường, đứng ra nói thẳng, nói thật. 

Còn một điều nữa, câu chuyện đồng phục học sinh bỗng hóa thành chuyện của người lớn với nhau, trong khi chính học sinh cũng là đối tượng, thậm chí đối tượng chính cần được tôn trọng, được đưa ra chính kiến. Việc trường hỏi ý kiến phụ huynh về đồng phục đã hiếm, nhưng hỏi ý kiến từng học sinh còn hiếm hơn. Đồng phục may xong, chưa nói đến chuyện chất liệu đẹp xấu, đường may thưa dày nhưng không phù hợp với lứa tuổi, không đúng với sở thích nên học sinh cảm thấy việc mặc đồng phục như bị cưỡng ép, mặc đối phó. Thế là, ý nghĩa tốt đẹp của bộ đồng phục, để học sinh tự hào với mái trường mình theo học cũng không còn.

Như thế, lời giải đã có. Chỉ cần trên dưới thực sự đồng lòng; nhà trường, phụ huynh và học sinh đồng thuận. Nhưng, thực hiện được điều này quả khó thay!

Đồng phục là trang phục được sử dụng cho toàn bộ học sinh, sinh viên của một trường mặc khi đến trường nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, danh dự, lòng tự hào với truyền thống của nhà trường, thể hiện sự bình đẳng giữa các học sinh, sinh viên góp phần xây dựng môi trường học tập, nếp sống văn hoá.

Đồng phục bao gồm: Quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép.

Đồng phục mùa hè bao gồm: Áo sơ mi và quần âu hoặc bộ áo dài truyền thống; giày hoặc dép có quai hậu. Phù hiệu của trường được gắn ở ngực áo bên trái hoặc mặt ngoài giữa cánh tay áo bên trái (đối với học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông); gắn ở ngực áo bên trái (đối với học sinh trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học).

Đối với nữ sinh, nếu sử dụng váy thì chiều dài váy phải trùm quá đầu gối. Nếu chọn bộ áo dài làm đồng phục thì chỉ thực hiện đối với nữ sinh trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng phục mùa đông bao gồm: Áo khoác; quần âu hoặc váy như đồng phục mùa hè (đối với nữ). Phù hiệu của trường được gắn ở ngực áo bên trái hoặc mặt ngoài giữa cánh tay áo bên trái (đối với học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông); gắn ở ngực áo bên trái (đối với học sinh trường trung cấp chuyên nghiệp, sinh viên cơ sở giáo dục đại học)

Ngoài những ngày quy định mặc đồng phục, các ngày còn lại khi đến trường học sinh, sinh viên phải mặc gọn gàng, sạch sẽ, đảm bảo tính nghiêm túc.

(Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên)

Tuệ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ