Đông Nam Á vươn lên từ đại dịch

GD&TĐ - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây nhận định, Đông Nam Á vẫn tiếp tục là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây nhận định bất chấp tác động không mấy lạc quan của tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu, Đông Nam Á vẫn tiếp tục là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng này là việc mở rộng và sử dụng Internet rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trong khu vực. Sự phát triển của Internet làm thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, làm tăng sự phát triển của giao dịch điện tử và nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh.

Cùng với đó, các khu vực kinh tế chính như Malaysia, Singapore đang dần bắt kịp với các nền kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu. Ngoài ra, các quốc gia Đông Nam Á đang khuyến khích sự phát triển nhanh chóng của công nghệ tài chính (fintech) để định hình lại mô hình kinh doanh, tạo nguồn tài chính công bằng hơn và thu hẹp khoảng cách giữa những gì ngân hàng truyền thống cung cấp và những gì người tiêu dùng, doanh nghiệp Đông Nam Á hiện nay mong đợi.

Trong những năm gần đây, khu vực này đã chứng kiến sự bùng nổ về cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số. Điều này đã và đang thu hút các nhà đầu tư trên thế giới lựa chọn Đông Nam Á làm điểm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa lại được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho sự phát triển của Đông Nam Á bởi quốc gia này là đối tác thương mại quan trọng tại ASEAN. Sự trở lại của Trung Quốc sẽ kéo theo sự phát triển của những lĩnh vực trọng điểm tại Đông Nam Á gồm du lịch, thương mại và FDI.

Tuy nhiên, bên cạnh những dự đoán lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Đông Nam Á, vẫn có những ý kiến cho rằng tín hiệu tăng trưởng là mơ hồ. Bởi tốc độ tăng trưởng của Đông Nam Á sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Yếu tố đầu tiên là sự phục hồi của Trung Quốc. Như đã phân tích ở trên, việc Trung Quốc mở cửa lại tác động đến sự phát triển của Đông Nam Á. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đã suy giảm nghiêm trọng kể từ sau đại dịch Covid-19 và đóng cửa biên giới.

Một tác động khác là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nếu leo thang sẽ kéo theo lệnh cấm, kiểm soát chuỗi cung ứng chính như điện tử, điện, máy móc, phụ tùng ô tô... Trong khi Đông Nam Á lấy Trung Quốc làm trung tâm của chuỗi cung ứng, các quốc gia trong khu vực có thể bị gián đoạn xuất - nhập khẩu khi xung đột tiếp tục leo thang.

Vấn đề phức tạp hơn là cuộc xung đột Nga và Ukraine làm tăng chi phí năng lượng và giá nông sản, hàng hóa khác. Không chỉ gấp rút chuyển đổi chính sách năng lượng, các nước Đông Nam Á cũng cần quản lý rủi ro và theo dõi lạm phát. Tuy nhiên, vì cán cân rủi ro vẫn nghiêng về phía tiêu cực, do đó không thể loại trừ hoàn toàn suy thoái kinh tế toàn cầu và khu vực.

Nhìn chung, những yếu tố không chắc chắn có thể tác động lên nền kinh tế của Đông Nam Á nhưng đây vẫn là khu vực hấp dẫn trong mắt các đối tác đầu tư nước ngoài. Do đó, triển vọng dài hạn cho khu vực Đông Nam Á vẫn rất thuận lợi, đặc biệt trên lĩnh vực công nghiệp sản xuất và dịch vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ